MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kim tự tháp Ai Cập. Ảnh: Xinhua

Bí ẩn xây kim tự tháp Ai Cập 4.000 năm đã được giải mã

Khánh Minh LDO | 26/05/2024 16:32

Các nhà khoa học tin rằng đã giải mã được bí ẩn xây kim tự tháp Ai Cập 4.000 năm tuổi.

Theo các nhà khảo cổ, một nhánh sông mới được phát hiện, ẩn dưới cát sa mạc và đất nông nghiệp, được cho là đã được sử dụng để vận chuyển các khối đá và vật liệu khổng lồ đến các địa điểm xây dựng kim tự tháp.

Các nhà khoa học nghĩ rằng cuối cùng họ có thể đã giải mã được bí ẩn lâu đời về cách 31 kim tự tháp, bao gồm cả Đại kim tự tháp Giza nổi tiếng, được xây dựng ở Ai Cập hơn 4.000 năm trước.

Việc xây dựng này không có sự giúp đỡ của người ngoài hành tinh.

Euro News đưa tin, khám phá mang tính đột phá của các nhà nghiên cứu từ Đại học Bắc Carolina Wilmington (Mỹ) tiết lộ rằng những kỳ quan cổ xưa này có thể được xây dựng dọc theo một nhánh sông Nile hiện đã bị chôn vùi, ẩn dưới cát sa mạc và đất nông nghiệp.

Nhánh sông Ahramat cổ đại giáp với một số lượng lớn các kim tự tháp có niên đại từ Cổ Vương quốc (Old Kingdom - chấm tròn màu đỏ) đến Thời kỳ chuyển tiếp thứ hai (Second Intermediate Period - chấm tròn màu xanh lá cây), trải dài từ Vương triều thứ 3 đến Vương triều thứ 13. Ảnh: Eman Ghoneim

Trong nhiều năm, các nhà khảo cổ từng suy đoán rằng người Ai Cập cổ đại đã sử dụng đường thủy để vận chuyển những khối đá khổng lồ và các vật liệu cần thiết khác cho việc xây dựng kim tự tháp. Tuy nhiên, cho đến nay, vị trí chính xác và tính chất của tuyến đường thủy này vẫn còn khó nắm bắt.

Nghiên cứu cho biết nhánh sông "Ahramat" mới được phát hiện, kéo dài khoảng 64 km, được cho là "được sử dụng làm phương tiện vận chuyển đường thủy cho công nhân và vật liệu xây dựng đến các địa điểm của kim tự tháp".

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu vệ tinh radar, khảo sát địa vật lý và lấy lõi đất để lập bản đồ nhánh sông ẩn này.

Theo nghiên cứu, "vô số ngôi đền ở thung lũng ở Ai Cập vẫn chưa được tìm thấy và do đó, có thể vẫn bị chôn vùi dưới các cánh đồng nông nghiệp và cát sa mạc dọc theo bờ sông của nhánh Ahramat".

Nguyên nhân khiến nhánh sông này cạn kiệt hoặc biến mất vẫn chưa rõ ràng. Theo nhà nghiên cứu Eman Ghoneim, rất có thể một thời kỳ hạn hán và sa mạc hóa đã khiến cát tràn vào khu vực, bồi lắng phù sa cho dòng sông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn