MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo tàng Vasa ở Stockholm trưng bày Vasa - tàu chiến hải quân bị chìm trong chuyến hải trình đầu tiên năm 1628. Ảnh: Bảo tàng Vasa

Bí mật từ tàu chiến Thụy Điển chìm 400 năm trước

Thanh Hà LDO | 10/04/2023 10:47

Các nhà nghiên cứu đang hiểu thêm về những người đã chết sau khi tàu chiến Thụy Điển Vasa bị chìm, bao gồm cả một phụ nữ được gọi là “G” đã bị các nhà khoa học cho là nam giới trong rất nhiều năm.

Chiều 10.8.1628, tàu Vasa - do người Thụy Điển chế tạo để trở thành một trong những tàu chiến mạnh nhất ở Baltic - khởi hành từ bến cảng cung điện ở Stockholm. Tuy nhiên, Vasa không đi được quá 1,6 km. 

Một cơn gió mạnh khiến con tàu dài gần 70 mét bị lật khiến nước tràn vào qua các cổng súng đang mở để trưng bày cho chuyến đi đầu tiên.

Khoảng 150 người được cho là có mặt trên tàu vào thời điểm tàu chìm và khoảng 30 người đã chết.

Giờ đây, gần 400 năm sau, thử nghiệm ADN tiên tiến giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về những người đã chết trên con tàu, bao gồm người phụ nữ được gọi là “G”, vốn bị cho là nam giới trong rất nhiều năm.

Các nhà khoa học thậm chí còn đặt tên cho người phụ nữ này là "Gustav" trong một cuộc trưng bày ở bảo tàng.

Fred Hocker - Giám đốc Bảo tàng Vasa ở Stockholm, nơi con tàu đang được trưng bày - cho biết: “Thật thú vị khi hiểu được cá nhân họ là ai cũng như những điều họ cho chúng ta biết về dân số Thuỵ Điển 400 năm trước như thế nào". 

Các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Vasa kiểm tra hài cốt của một phụ nữ trên tàu chiến bị chìm vào thế kỷ 17. Ảnh: Bảo tàng Vasa 

Việc hồi sinh Vasa bắt đầu từ năm 1958 và hoàn thành năm 1961 khi toàn bộ tàu chiến được trục vớt từ dưới biển.

Công nhân phun nước lên tàu, sau đó bôi chất bảo quản polyetylen glycol trong suốt 17 năm và để khô thêm 9 năm nữa. 

Tiến sĩ Hocker cho biết, một số dự án khai quật tương tự về các con tàu lịch sử được tiến hành cùng thời điểm nhưng Vasa "là ngoạn mục nhất".

"Đó là cả một con tàu, nó rất lớn. Vasa đã thiết lập khuôn mẫu cho khảo cổ học hàng hải" - ông nói. 

Việc phục hồi con tàu cũng bao gồm hơn 40.000 đồ vật trong và xung quanh tàu. Tuy nhiên, những bộ xương được tìm thấy trong tàu “đặt ra một vấn đề khảo cổ học đối với chúng tôi", tiến sĩ Hocker nói.

Ban đầu, các hài cốt được chôn cất tại một nghĩa trang hải quân.

26 năm sau, khi Bảo tàng Vasa chuẩn bị trưng bày con tàu, các nhà khoa học khai quật xương để nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, do nước, xử lý không đúng cách và không đánh số nhận dạng, những bộ xương này không còn trong điều kiện lý tưởng. 

Mãi tới năm 2004, bảo tàng bắt đầu làm việc với các chuyên gia di truyền học tại Đại học Uppsala ở Thụy Điển để thực hiện nghiên cứu ADN của các bộ xương.

Nghiên cứu này kết luận có 15 người lớn được xác định rõ ràng và một số xương thuộc về ít nhất 2 người khác, với 1 người trong đó là trẻ dưới 10 tuổi. 

Đến năm 2016, phòng thí nghiệm phát triển một “phương pháp giải trình tự thế hệ tiếp theo” có thể thu thập và làm giàu ADN của con người đã bị hư hỏng hoặc bị tổn hại, Charla Marshall - Trưởng bộ phận công nghệ mới nổi của phòng thí nghiệm - cho biết.

Mẫu Vasa đầu tiên mà các nhà nghiên cứu thử nghiệm là của G. Sau khi sắp xếp đầy đủ trình tự ADN của G bằng bốn phương pháp khác nhau, phòng thí nghiệm đã xác nhận được bộ xương này có giới tính là nữ. 

Trước đó, các nhà nghiên cứu đã vật lộn để có được cấu trúc di truyền đầy đủ của G, một phần do cấu trúc xương sở hữu cả đặc điểm nam tính và nữ tính: xương mặt giống nam hơn nữ một chút và cột sống cho thấy G đã lao động rất vất vả. 

Hiện tại, bảo tàng đã đặt hàng một phiên bản tái tạo mới của G dành cho nữ để trưng bày bên cạnh phiên bản gốc dành cho nam giới.

Bảo tàng cũng đang xem xét có nên đổi tên G thành Gertrud - tên bắt đầu bằng chữ G phổ biến dành cho phụ nữ ở Thụy Điển vào những năm 1620 hoặc quay lại sử dụng các chữ cái để xác định những bộ xương.

Bảo tàng cũng đang chờ xét nghiệm di truyền tương tự cho 14 bộ xương khác.

Tiến sĩ Hocker cho hay, các xét nghiệm ADN bổ sung sẽ cung cấp thông tin chi tiết về thủy thủ đoàn trên tàu Vasa, tới những tiểu tiết như họ có tàn nhang hay không, họ có ráy tai ướt hay khô...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn