MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Biến thể COVID-19 ở Ấn Độ nguy hiểm tới mức nào?

Bảo Châu LDO | 25/04/2021 11:22
Ấn Độ đang oằn mình chống đỡ làn sóng đại dịch bùng phát kỷ lục, dấy lên lo ngại về mức độ nguy hiểm của biến thể COVID-19 ở nước này.

Theo CNA, tình trạng gia tăng kỷ lục các ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ đã làm tràn ngập các bệnh viện và dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng oxy và giường bệnh.

Câu hỏi quan trọng là liệu biến thể đột biến kép mới, ký hiệu B1617, có đứng đằng sau sự bùng phát nhanh nhất thế giới, với gần 350.000 ca nhiễm mới vào 24.4 hay không.

Dưới đây là những gì chúng ta đã biết về biến thể COVID-19 B1617 ở Ấn Độ cho đến nay:

B1617 là đột biến kép

Biến thể kép được Ấn Độ báo cáo lần đầu tiên vào ngày 24.3, tìm thấy trong hơn 200 mẫu xét nghiệm ở bang miền tây Maharashtra - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch - chiếm tỉ lệ 20% tổng số mẫu xét nghiệm. Gần đây, tỉ lệ này đã tăng lên 60%.

Theo dữ liệu toàn cầu GISAID, tính đến tháng 4, biến thể này cũng đã được phát hiện ở 18 quốc gia khác.

Các nhà dịch tễ học cho biết, thuật ngữ "đột biến kép" dùng để chỉ một biến thể hoàn toàn mới, cùng lúc mang đặc điểm của hai loại đột biến đã được xác định là E484Q và L452R.

Đột biến E484Q tương tự như một đột biến khác là E484K được tìm thấy ở Nam Phi, Brazil. Loại đột biến này được mệnh danh là ''đột biến đào thoát'' vì nó giúp virus qua mặt được hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Trong khi đó, một nghiên cứu ở California đã phát hiện ra đột biến L452R có tính chất lây lan nhanh chóng.

Biến thể B1617 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là "biến thể cần quan tâm" và đang trong quá trình theo dõi.

Các biến thể khác được phát hiện ở Brazil, Nam Phi và Vương quốc Anh cũng đã được phân loại là "cần quan tâm", vì chúng dễ lây lan hơn, độc lực cao hơn hoặc có thể làm giảm hiệu quả của kháng thể.

Cần thêm dữ liệu về B1617

Rakesh Mishra, giám đốc Trung tâm Sinh học Tế bào và Phân tử có trụ sở tại Hyderabad, Ấn Độ, là một trong những nhà khoa học hiện đang phân tích biến thể B1617. Ông cho rằng nó "có mức độ lan truyền cao hơn so với các biến thể khác. Dần dần nó sẽ trở nên phổ biến hơn và sẽ thay thế các biến thể khác''.

Tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết liệu làn sóng đại dịch hiện tại của Ấn Độ có liên quan đến biến thể này hay không.

Khi lần đầu tiên phát hiện biến thể B1617, các quan chức y tế nói rằng nó không được phát hiện với số lượng đủ lớn để liên kết với tình trạng gia tăng các ca bệnh ở bang Maharashtra và các bang khác của Ấn Độ.

Trong khi đó, ở Vương quốc Anh, người ta đã phát hiện hơn 100 ca mắc biến thể B1617 của Ấn Độ và đang điều tra. Tuy nhiên họ không có đủ bằng chứng để phân loại nó là một biến thể đáng lo ngại, theo tuyên bố từ giới chức Y tế Công cộng Anh.

Cơ quan này cho biết, để xếp hạng biến thể này, cần phải tìm hiểu thêm về khả năng lây truyền tăng lên, mức độ nghiêm trọng tăng lên hoặc khả năng né vaccine COVID-19, và hiện các dữ liệu vẫn chưa đủ.

Hiệu quả nhất định của vaccine COVID-19 với B1617

Mặc dù đột biến E484Q giúp biến thể B1617 có khả năng làm giảm hiệu quả vệ của kháng thể từ vaccine hoặc từ lần nhiễm bệnh trước đó, các chuyên gia khẳng định rằng vaccine COVID-19 vẫn có tác dụng bảo vệ nhất định, đặc biệt trong phòng chống tình trạng bệnh nghiêm trọng.

Israel - quốc gia đã báo cáo các ca mắc biến thể của Ấn Độ - tin rằng vaccine Pfizer-BioNTech ít nhất cũng đem lại một phần hiệu quả chống lại biến thể này.

Ấn Độ phát hiện biến thể khác ngoài B1617

Nhà khoa học Ấn Độ Mishra cho rằng, càng nhiều vật chủ nhiễm virus, càng có nhiều biến thể COVID-19 xuất hiện hơn. Do đó, Ấn Độ cần sớm kiểm soát tình trạng bùng phát COVID-19.

Một biến thể khác, ký hiệu B1618, gần đây đã gây chú ý khi trở thành loại biến thể virus phát hiện nhiều thứ 3 ở Ấn Độ.

Nhà nghiên cứu virus học Goldstein đã chỉ ra thành công của Vương quốc Anh trong việc xoay chuyển một đợt bùng phát gần đây bất chấp trở ngại do sự hiện diện của một biến thể dễ lây truyền.

"Nó có thể khá khó khăn, nhưng nó có thể được thực hiện. Tôi nghĩ rằng chiến dịch tiêm chủng chắc chắn đã giúp ích... đồng thời biện pháp phong tỏa đã cho phép họ làm giảm tốc độ lây lan các ca bệnh và xoay chuyển cục diện theo hướng tốt hơn''.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn