MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường phố ở Melbourne trong đợt đóng cửa lần thứ 6 của thành phố do bùng phát biến thể Delta. Ảnh: AFP

Biến thể Delta thách thức những chiến lược chống dịch từng hiệu quả

Hải Anh LDO | 15/08/2021 13:00
Các ca COVID-19 do biến thể Delta đang tăng ở các quốc gia, vùng lãnh thổ từng được ca ngợi ngăn chặn thành công đại dịch.

Một năm rưỡi kể từ khi ca COVID-19 đầu tiên được xác định, nhiều quốc gia ở Châu Á - Thái Bình Dương trở lại nhịp sống tương đối bình thường trong nước.

Dale Fisher - giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore - nhận định, chiến lược của Australia và Trung Quốc tập trung vào đóng chặt biên giới, truy vết nhanh bất kỳ ca COVID-19 nào thông qua xét nghiệm hàng loạt.

Trước khi bùng dịch do biến thể Delta, trong nhiều tháng, chiến lược 0 COVID-19 đã hoạt động tốt. Trong khi các quốc gia khác phải đối mặt với hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải và số ca tử vong cao, thì Trung Quốc và Australia lần lượt ghi nhận 4.848 và 939 ca tử vong. Điều đó cho phép những nước này tiếp tục cuộc sống bình thường trong biên giới và nền kinh tế ít bị ảnh hưởng hơn.

Nhưng những cách tiếp cận này đang bị biến thể Delta thách thức nghiêm trọng. Biến thể Delta được xem là có khả năng lây lan cao hơn từ 60% đến 200% so với chủng ban đầu được xác định lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Gần đây, hàng triệu người ở Australia, Trung Quốc trở lại trạng thái phong tỏa. Hệ thống y tế ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia bị quá tải. Các quốc đảo như Fiji ở Thái Bình Dương, nơi năm ngoái chỉ ghi nhận một số ít ca bệnh, đang phải chống chọi với những đợt bùng phát lớn.

Khi Delta đến Australia, lỗ hổng lớn trong chiến lược ngăn chặn COVID-19 ở đất nước này được phát lộ, đó là triển khai vaccine chậm. Đến gần đây, chỉ 17% trong dân số 25 triệu người ở Australia đã được tiêm chủng đầy đủ - thấp hơn nhiều so với 58% của Anh hoặc 50% ở Mỹ. Điều này có nghĩa là có rất ít khả năng miễn dịch cộng đồng để ngăn chặn sự lây lan của Delta.

CNN nhận định, kinh nghiệm chung của Trung Quốc và Australia cũng nêu bật rủi ro rằng, các quốc gia triển khai hạn chế biên giới cứng rắn cũng có thể không thể loại bỏ được hoàn toàn biến thể Delta hoặc một biến thể nào khác.

Chuyên gia Fisher cho biết, các đợt bùng phát biến thể Delta có khả năng xảy ra ở các quốc gia khác có thành tựu chống dịch tốt, chẳng hạn như New Zealand.

Giống như Australia, New Zealand và Hong Kong (Trung Quốc) có tỉ lệ tiêm chủng tương đối thấp với lần lượt là 16% và 39% được tiêm chủng đầy đủ, tính đến 8.8. Nếu Delta xâm nhập, dịch rất dễ bùng phát.

Ngoài đẩy mạnh tiêm chủng, ông Frisher khuyến nghị duy trì một số hạn chế như đeo khẩu trang ở không gian kín ngay cả khi một quốc gia đã phong tỏa biên giới và không có ca COVID-19 cộng đồng nào.

Ông cho rằng, các quốc gia cần tiếp tục học hỏi từ các quốc gia khác về cách đối phó với đại dịch. "Nếu ai đó nghĩ rằng chuyện này đã kết thúc, thì họ đã nhầm. Mọi người đều phải đối mặt và sống với dịch bệnh vào một ngày nào đó. Dịch bệnh vẫn chưa kết thúc với bất kỳ quốc gia nào" - ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn