MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Biến thể Omicron lan ra 106 nước, WHO cảnh báo điều quan trọng

Bảo Châu LDO | 23/12/2021 09:43
WHO ngày 22.12 cảnh báo rằng các quốc gia giàu có đẩy mạnh triển khai liều tăng cường càng làm sâu sắc thêm bất bình đẳng vaccine, dẫn đến kéo dài đại dịch.

Trong cuộc họp ngày 22.12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh phải duy trì ưu tiên tiêm vaccine cho những người dễ bị tổn thương ở khắp thế giới hơn là tiêm thêm liều tăng cường cho những người đã được tiêm chủng.

Ông Tedros nói với các phóng viên: “Không quốc gia nào có thể đẩy mạnh con đường thoát khỏi đại dịch”.

Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc từ lâu đã lên tiếng chỉ trích sự bất bình đẳng rõ ràng trong tiếp cận vaccine COVID-19. Họ cho rằng, việc để COVID-19 lan rộng không kiềm chế ở một số nơi sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ xuất hiện của các biến thể mới, nguy hiểm hơn.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Các chương trình bao phủ mũi tăng cường có khả năng kéo dài đại dịch thay vì kết thúc vì nó điều chuyển nguồn cung cho các quốc gia đã có tỉ lệ bao phủ tiêm chủng cao, tạo cơ hội cho virus lây lan và đột biến ở nơi thiếu vaccine".

Nhiều tháng trước, Tổng Giám đốc WHO đã nỗ lực kêu gọi các nước tạm hoãn liều nhắc lại đối với những người tiêm chủng đầy đủ và những người khỏe mạnh cho đến khi ít nhất 40% người dân ở tất cả các quốc gia được tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19.

Ngày 22.12, ông Tedros chỉ ra rằng mặc dù số lượng vaccine đã được tiêm cho người dân trên toàn cầu trong năm nay đủ để đạt được mục tiêu trên, nhưng nguồn cung toàn cầu bị bóp méo có nghĩa là chỉ một nửa số quốc gia trên thế giới làm được điều đó.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, khoảng 67% người dân ở các nước thu nhập cao đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine, nhưng chỉ tiêu này ở các nước thu nhập thấp thậm chí không đến 10%.

Theo ông Tedros: “Thật khó hiểu khi một năm kể từ khi có vaccine COVID-19, khoảng 3/4 nhân viên y tế ở Châu Phi vẫn chưa được tiêm mũi vaccine nào''.

Biến thể Omicron lây lan ra 106 quốc gia

Theo WHO, kể từ khi được phát hiện ở Nam Phi vào cuối tháng 11, biến thể Omicron mới đang lan truyền với tốc độ nhanh chưa từng có và đã được phát hiện ở 106 quốc gia.

Dữ liệu ban đầu chỉ ra rằng Omicron có khả năng né tránh tác dụng bảo vệ của vaccine, thúc đẩy các quốc gia đẩy mạnh triển khai liều tăng cường.

Tuy nhiên, ông Tedros ngày 22.12 nhấn mạnh rằng các loại vaccine mà chúng ta đang sử dụng vẫn có hiệu quả chống lại cả biến thể Delta và Omicron.

Ông nói: “Điều quan trọng cần nhớ là phần lớn các ca nhập viện và tử vong đều là những người không được tiêm chủng đầy đủ chứ không phải những người chưa được tiêm mũi tăng cường''.

Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của WHO (SAGE) về tiêm chủng cũng không khuyến nghị các chương trình tiêm chủng tăng cường. Họ nhấn mạnh liều nhắc lại này nên được "nhắm mục tiêu đến các nhóm dân số có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng và những người cần thiết khác để bảo vệ hệ thống y tế".

Cho đến nay, có khoảng 120 quốc gia trên thế giới đã bắt đầu triển khai các chương trình vaccine tăng cường hoặc liều bổ sung, nhưng không có quốc gia nào trong số đó có thu nhập thấp.

Trước tình trạng số lượng ca mắc tăng cao, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các quốc gia và cá nhân thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus trước thềm kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia WHO nhấn mạnh, mọi người hiện giờ đã biết rõ họ cần phải làm gì, từ đeo khẩu trang cho đến giãn cách xã hội và mặc dù phải thay đổi kế hoạch kỳ nghỉ vì đại dịch nhưng điều quan trọng hơn là phải giữ an toàn cho bản thân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn