MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Biến thể Omicron lan tới 38 quốc gia, đe dọa tăng trưởng toàn cầu

Hải Anh LDO | 04/12/2021 09:33

Biến thể Omicron được phát hiện ở 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 2 quốc gia ở Đông Nam Á. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, Omicron có thể làm chậm lại phục hồi kinh tế toàn cầu tương tự như biến chủng Delta. 

38 quốc gia có ca Omicron, chưa ghi nhận ca tử vong

Biến thể Omicron được phát hiện ở 38 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chưa có trường hợp tử vong nào được ghi nhận, AFP dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3.12. 

WHO đã lưu ý, có thể mất nhiều tuần để xác định mức độ lây nhiễm của biến thể Omiron và liệu biến thể có gây bệnh nặng hơn hay không và các phương pháp điều trị và vaccine hiện tại có hiệu quả chống biến thể này như thế nào.

Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO Michael Ryan nói: “Chúng ta sẽ có câu trả lời mà tất cả mọi người cần". 

Ngày 3.12, WHO cho biết vẫn chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về ca tử vong liên quan đến Omicron. 

Nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học Nam Phi, nơi mà biến thể Omircon được báo cáo lần đầu tiên vào ngày 24.11, chủng này có khả năng gây tái nhiễm cao gấp 3 lần so với chủng Delta hoặc Beta.

Các bác sĩ ở Nam Phi thông tin, số lượng trẻ em dưới 5 tuổi nhập viện đã tăng đột biến kể từ khi Omicron xuất hiện, nhưng nhấn mạnh rằng còn quá sớm để biết trẻ nhỏ có đặc biệt dễ mắc bệnh hay không.

Mỹ, Australia trở thành những quốc gia mới nhất xác nhận có những ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên lây truyền trong cộng đồng, trong khi đó, số ca nhiễm Omicron từ một bữa tiệc Giáng sinh ở Na Uy đã tăng lên 17.

Ngày 3.12, Malaysia cũng báo cáo một ca nhiễm Omicron đầu tiên ở một sinh viên nước ngoài đến từ Nam Phi nhập cảnh ngày 19.11. Sri Lanka cũng thông báo có ca nhiễm Omicron đầu tiên từ một công dân trở về từ Nam Phi.

Việc phát hiện và sự lây lan của biến thể SARS-CoV-2 mới Omicron được xem là thêm thách thức lớn với nỗ lực chấm dứt đại dịch trong bối cảnh Delta tiếp tục lây lan. Lây nhiễm ngày càng tăng của biến thể Delta đã buộc các chính phủ Châu Âu phải áp dụng lại các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, giới nghiêm hoặc đóng cửa.

Ngày 3.12, giới chức Bỉ yêu cầu các trường tiểu học đóng cửa sớm một tuần để nghỉ lễ Giáng sinh. Đức thông báo các lãnh đạo vùng đã nhất trí biện pháp mới, trong đó có cấm đốt pháo hoa tại các bữa tiệc năm mới để ngăn tụ tập đông người.

WHO thông tin việc điều chỉnh vaccine hiện có để ứng phó Omicron

Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết ngày 3.12 rằng, chưa có bằng chứng nào ủng hộ điều chỉnh vaccine COVID-19 để vaccine chống biến thể Omicron. 

“Hiện tại, chúng ta có những loại vaccine hiệu quả cao đang phát huy tác dụng. Chúng ta cần tập trung vào việc phân phối chúng một cách công bằng hơn. Chúng ta cần tập trung vào việc đưa những người có nguy cơ cao nhất đi tiêm vaccine" - ông nói. 

Trên thực tế, các hãng dược đã triển khai xem xét về vaccine đặc hiệu chống Omicron. Đánh giá về động thái này, người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier cho biết: "Việc không đợi cho đến khi tiếng chuông báo động cuối cùng vang lên là điều tốt".

Ngày 3.12, Giám đốc điều hành Ugur Sahin của công ty BioNTech của Đức cho hay, công ty có thể điều chỉnh vaccine tương đối nhanh để ứng phó với sự xuất hiện của biến thể Omicron. 

Omicron đe dọa phục hồi kinh tế thế giới

Biến thể Omicron có thể làm chậm lại phục hồi kinh tế toàn cầu, như biến chủng Delta đã gây ra, giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết ngày 3.12. 

“Một biến thể mới có khả năng lan truyền rất nhanh có thể làm giảm lòng tin và do đó có thể thấy sự thu hẹp dự báo tháng 10 về tăng trưởng toàn cầu” - Reuters dẫn lời bà Georgieva. 

Trong Triển vọng Kinh tế Thế giới gần đây nhất, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 5,9% trong năm 2021 và 4,9% vào năm 2022, nhưng đã có điều chỉnh giảm với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác sau khi biến thể Delta lan rộng, bà Georgieva chỉ ra. 

Giám đốc IMF lưu ý: “Ngay cả trước khi có sự xuất hiện của biến thể mới (Omicron), chúng tôi đã lo ngại quá trình phục hồi tiếp diễn đang mất đi phần nào động lực”. Bà đồng thời chỉ ra rằng, các nhà hoạch định chính sách hiện đối phó với những vấn đề mới như lạm phát.

Những dự báo gần đây nhất của IMF làm dấy lên lo ngại rằng, các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu và việc phân phối vaccine COVID-19 không đồng đều đang làm chậm đà phục hồi và khiến một số quốc gia bị tụt lại. 

Thêm vào đó, nhu cầu tăng vọt ở nhiều nền kinh tế tiên tiến cùng với tình trạng thiếu hụt một số thành phần quan trọng như chất bán dẫn đã thúc đẩy làn sóng tăng giá. 

Ngày 3.12, bà Georgieva nhận định, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ phải tăng lãi suất vào năm 2022, chứ không phải vào năm 2023 như IMF dự đoán trước đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn