MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bình luận của ông Trump về Nga và NATO bị phản ứng dữ dội

Ngọc Vân LDO | 12/02/2024 10:58

Ông Donald Trump bị phản ứng dữ dội khi bình luận rằng, Washington có thể để một nước NATO chưa đóng phí thành viên tự bảo vệ mình trong trường hợp bị tấn công, nhằm dạy bài học về trách nhiệm tài chính.

Ngày 10.2, ông Donald Trump nói trong bài phát biểu tại bang Nam Carolina (Mỹ) rằng, khi còn là tổng thống, ông đã cảnh báo sẽ không can thiệp trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga vào các đồng minh không đáp ứng nghĩa vụ tài chính của họ đối với NATO.

“Anh không trả tiền? Anh vi phạm?” - cựu Tổng thống nhớ lại việc phát biểu với một quốc gia giấu tên. “Không, tôi sẽ không bảo vệ anh. Trên thực tế, tôi sẽ khuyến khích Nga làm bất cứ điều gì họ muốn”.

Ngày 11.2, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chỉ trích gay gắt bình luận nói trên của cựu Tổng thống Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh TV2 của Na Uy, ông Stoltenberg nói: “Bất kỳ ý kiến nào cho rằng, các đồng minh sẽ không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu an ninh của chúng ta, bao gồm cả an ninh của Mỹ, đồng thời khiến binh lính Mỹ và châu Âu gặp nguy hiểm cao hơn”.

Ông Stoltenberg cam kết bất kỳ cuộc tấn công nào vào một quốc gia thành viên NATO sẽ gây ra “phản ứng thống nhất và mạnh mẽ”.

Ông nói thêm: “Tôi kỳ vọng bất kể ai thắng cử tổng thống, Mỹ sẽ vẫn là một đồng minh mạnh mẽ và tận tụy của NATO”.

Trong khi đó, ông Michel viết trên mạng X: "Những tuyên bố liều lĩnh về an ninh của NATO và tình đoàn kết theo Điều 5 chỉ phục vụ lợi ích của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chúng không mang lại an ninh hay hòa bình cho thế giới. Ngược lại, những tuyên bố này nhấn mạnh lại việc EU phải khẩn trương phát triển hơn nữa quyền tự chủ chiến lược và đầu tư vào quốc phòng của mình. Và để giữ cho liên minh của chúng ta vững mạnh”.

Từ trái qua, hàng trước: Vua Philippe của Bỉ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May và lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO khác trong hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ, ngày 25.5.2017. Ảnh: Xinhua

Năm 2014, các thành viên NATO cam kết sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2025. Chỉ 10 trong số 30 thành viên của khối đã đáp ứng các nghĩa vụ đó và 13 thành viên đã chi 1,5% GDP hoặc ít hơn tính đến năm ngoái, theo ước tính của chính tổ chức này.

Trong khi phần lớn các cuộc thảo luận trên truyền thông coi lời đe dọa của ông Trump là một thách thức đối với các nước Baltic và Ba Lan, thì Warsaw thực sự dẫn đầu khối về đóng góp quốc phòng theo tỉ lệ phần trăm vào năm ngoái, đóng góp 3,9% GDP - nhiều hơn mức đóng góp 3,49% của Washington. Estonia, Lithuania và Latvia cũng đều đóng góp hơn 2% vào năm ngoái - RT đưa tin.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bày tỏ lo ngại về “cuộc chiến tranh nóng” ở biên giới Ba Lan với Ukraina, đồng thời đặt câu hỏi liệu Mỹ có thể hiện “sự đoàn kết hoàn toàn với các nước NATO khác trong cuộc đối đầu kéo dài với Nga này hay không”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Die Welt của Đức hôm 11.2, Tổng Thư ký NATO kêu gọi các thành viên tăng cường sản xuất vũ khí như mức thời chiến để chuẩn bị cho một “cuộc đối đầu” với Mátxcơva “có thể kéo dài hàng thập kỷ”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần phủ nhận Mátxcơva muốn tấn công bất kỳ quốc gia NATO nào, kể cả Ba Lan hay các nước Baltic. Tuần trước, ông Putin nói với nhà báo Tucker Carlson rằng, các chính phủ phương Tây “đang đe dọa người dân của họ bằng mối đe dọa tưởng tượng từ Nga”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn