MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chấn thương đã được chữa lành trên các bộ xương ở nghĩa địa Jebel Sahaba, Sudan, hé lộ nhiều thông tin quý giá. Ảnh: Bảo tàng Anh

Bộ xương 13.000 tuổi hé lộ chiến trường cổ xưa nhất trên trái đất

Phương Linh LDO | 28/05/2021 10:30
Phân tích các bộ xương gần 13.000 năm tuổi hé lộ địa điểm diễn ra cuộc chiến tranh chủng tộc lâu đời nhất, từ thời tiền sử.

Theo tạp chí Scientific Reports, ban đầu, các nhà khoa học tin rằng người thời kỳ săn bắt hái lượm đã bị giết trong những cuộc xung đột vũ trang riêng rẽ - ví dụ sớm nhất về bạo lực cộng đồng giữa các nhóm người thời tiền sử.

Tuy nhiên, thông qua các kỹ thuật hiển vi mới để phân tích lại các bộ xương thu thập từ nghĩa địa Jebel Sahaba của Sudan hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Anh ở London, các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp và Đại học Toulouse đã phát hiện ra đó thực sự là một chuỗi liên tiếp các đợt bạo lực, có thể trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Cụ thể, họ đã xác định được 106 chấn thương và thương tổn chưa từng được ghi nhận trước đây, đồng thời có thể phân biệt giữa vết thương do bị bắn (từ mũi tên hoặc giáo), chấn thương (do cận chiến) và dấu vết liên quan đến phân hủy tự nhiên.

Các nhà nghiên cứu phát hiện 41 cá nhân, chiếm khoảng 67%, có ít nhất một loại thương tích đã được chữa lành hoặc chưa lành.

Một trong số các hài cốt khai quật tại nghĩa địa Jebel Sahaba ở Sudan với các vết thương trên hộp sọ. Ảnh: Isabelle Crevecoeur/Bảo tàng Anh

Các nhà khoa học cho rằng số lượng vết thương được chữa lành khớp là kết quả của các hành động bạo lực thường xuyên và không thường xuyên, nhưng không phải lúc nào cũng gây chết người, giữa các nhóm người ở thung lũng sông Nile vào cuối thời kỳ Pleistocen muộn (khoảng 126.000 đến 11.700 năm trước).

Nghiên cứu cho thấy đây có thể là những cuộc giao tranh hoặc đột kích lặp đi lặp lại giữa các nhóm người khác nhau.

Ít nhất một nửa số thương tích được xác định là vết thương do bị giáo và mũi tên bắn. Điều này ủng hộ giả thuyết rằng nó xảy ra khi các nhóm tấn công từ xa, chứ không phải trong các cuộc xung đột nội bộ.

Một vết thương được cho là do bị bắn bởi giáo mác hoặc mũi tên. Ảnh: Isabelle Crevecoeur/Bảo tàng Anh

Nhà khoa học đứng đầu nghiên cứu Isabelle Crevecoeur cho biết: ''Chúng tôi bác bỏ giả thuyết rằng nghĩa địa Jebel Sahaba phản ánh một sự kiện chiến tranh đơn lẻ, nhờ có các dữ liệu mới cho thấy các đợt bạo lực giữa các cá nhân xảy ra riêng lẻ và lặp đi lặp lại''.

Các chuyên gia cho rằng có lẽ thảm họa môi trường trong Kỷ Băng hà đã khiến những kẻ tấn công và nạn nhân phải sống cùng nhau trong một khu vực nhỏ hơn, do đó bùng nổ giao tranh.

Các sông băng trong Kỷ băng hà bao phủ phần lớn Châu Âu và Bắc Mỹ khiến khí hậu ở Ai Cập và Sudan trở nên lạnh giá và khô cằn, buộc con người thời đó phải sống gần sông Nile.

Tuy nhiên, dòng sông này vừa hoang vu, trũng thấp và lởm chởm nên có rất ít đất để con người có thể sinh sống an toàn trong khi các nguồn tài nguyên thì khan hiếm.

Cạnh tranh về thức ăn có thể là lý do dẫn đến bạo lực khi ngày càng có nhiều nhóm người tranh chấp các điểm đánh bắt cá và địa điểm tốt nhất để sinh sống.

Hai nghĩa trang khác được tìm thấy gần địa điểm chính cho thấy còn có các nhóm cộng đồng xã hội khác, hoặc các bộ lạc nhỏ, họ cũng coi khu vực là nhà và điều này có thể đã gây ra tranh chấp. Tuy nhiên, những bộ hài cốt được chôn trong các nghĩa địa khác không có dấu hiệu của bạo lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn