MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Theresa May và ông Jeremy Corbyn. Ảnh: N.N

Brexit, khủng bố chi phối bầu cử Anh

VÂN ANH LDO | 09/06/2017 11:00
Ngày 8.6, hơn 46 triệu cử tri Anh đi bầu cử, trong cuộc bỏ phiếu lớn thứ 4 ở Anh trong vòng 3 năm qua, sau cuộc trưng cầu dân ý độc lập Scotland, tổng tuyển cử năm 2015 và bỏ phiếu Brexit 2016.

Cuộc đua của bà Theresa May và ông Jeremy Corbyn

Hơn 40.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Anh đóng cửa lúc 22 giờ cùng ngày (giờ địa phương). Kết quả cuối cùng được công bố vào ngày hôm nay, 9.6. Cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn 600 nghị sĩ Quốc hội trong số hơn 3.300 ứng viên. Hiện chỉ có 2 người có cơ hội thực tế để trở thành thủ tướng tiếp theo, là đương kim Thủ tướng Theresa May của Đảng Bảo thủ và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn.

Bà Theresa May kêu gọi bầu cử sớm 3 năm hồi tháng 4 năm nay, khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ của bà và Đảng Bảo thủ khá cao, khiến bà tự tin có thể trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ giúp Anh trong các cuộc đàm phán Brexit - đưa Anh ra khỏi EU. Tuy nhiên, các cuộc tấn công khủng bố ở London và Manchester vừa qua đã gây áp lực với bà May, người từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trong 6 năm. Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã thực hiện một chiến dịch tranh cử đầy nhiệt huyết và hứa hẹn thay đổi.

Các chuyên gia bầu cử tỏ ra thận trọng với kết quả. Trong khi nhiều người vẫn mong đợi một chiến thắng của Đảng Bảo thủ, thì các dự đoán về tỉ lệ phiếu bầu rất khác nhau, thậm chí có mô hình còn dự đoán đảng của bà May có thể chỉ giành được 304 ghế, tức là thiếu 22 ghế để đạt được đa số quá bán 326/650 ghế cần thiết.

Phát biểu với phóng viên trong buổi vận động cuối cùng hôm 7.6, bà May khẳng định bà không hối tiếc vì kêu gọi bỏ phiếu sớm. Còn ông Corbyn đã kêu gọi những người ủng hộ nghĩ lớn. “Chẳng phải sẽ rất tuyệt hay sao nếu sáng thứ sáu chúng ta thức dậy và nhận thấy một chính phủ Công đảng sẽ là chính phủ cho tất cả các cộng đồng của chúng ta trên khắp đất nước này, để thực thi công lý xã hội mà chúng ta khao khát” - AFP dẫn lời ông Corbyn nói.

Bầu cử và Brexit

Cả Đảng Bảo thủ và Công đảng đều cam kết thực thi Brexit, nhưng mỗi đảng có một tầm nhìn khác nhau về quá trình “ly dị” EU. Nếu Đảng Bảo thủ thắng lớn, lập trường của Anh trong đàm phán Brexit khá rõ ràng. Bà May cam kết Anh sẽ rời EU vào tháng 3.2019, dù đang đàm phán đến đâu, với “câu thần chú” là “không có thoả thuận tốt hơn là một thoả thuận tồi”. Nhưng bất kỳ một kết quả bầu cử nào khác sẽ đặt ra cho Brexit những câu hỏi bỏ ngỏ.

Thứ nhất, nếu Đảng Bảo thủ giành thế đa số nhưng mất ghế: Đây là tình huống mà bà May muốn tránh. Các nghị sĩ thân EU trong đảng của bà có thể gây khó khi bà đàm phán với EU. “Brexit cứng” - nghĩa là rời bỏ thị trường chung, chấm dứt nhập cư EU, vứt bỏ tất cả luật lệ của EU - vẫn sẽ là một khả năng, nhưng khả năng này không cao.

Trường hợp thứ hai, Đảng Bảo thủ giành hầu hết ghế, nhưng mất thế đa số. Trong trường hợp này, Công đảng có thể hợp lực với Đảng Dân tộc Scotland và Dân chủ Tự do để hình thành liên minh. Mặc dù ông Corbyn có thể trở thành thủ tướng, nhưng ông có thể phải nhượng bộ về lập trường của Công đảng đối với Brexit. Trong tình huống này “Brexit mềm” - nghĩa là vẫn ở lại thị trường chung, cho phép nhập cư EU, nhưng rời bỏ liên minh này và thoát khỏi các luật lệ của EU - sẽ là kết quả có khả năng nhất, với cơ hội đảo ngược Brexit mong manh.

Nếu không có liên minh nào được thành lập, bà May có thể điều hành đất nước bằng một chính phủ thiểu số. Tuy nhiên, trong lịch sử nước Anh, không có một chính phủ thiểu số nào có thể tồn tại hết nhiệm kỳ.

Trong trường hợp Công đảng giành nhiều ghế nhưng không chiếm thế đa số, thì tương tự như trên, nếu không thể thành lập liên minh, ông Corbyn có thể điều hành một chính phủ thiểu số. Nếu Công đảng giành thế đa số, ông Corbyn có thể trở thành thủ tướng. Và nếu ông giữ lời về Brexit - để Quốc hội bỏ phiếu lần cuối về đàm phán - thì Brexit sẽ không bị đảo ngược.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn