MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Nga Vladimir Putin (màn hình) phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, ngày 22.8.2023. Ảnh: AFP

BRICS đối mặt quyết định lịch sử định hình lại vai trò

Song Minh LDO | 24/08/2023 15:29

Mở rộng thành viên và nỗ lực hướng tới độc lập tài chính khỏi phương Tây là hai thách thức quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg, Nam Phi từ ngày 22-24.8.

Chưa bao giờ nhóm các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) thu hút nhiều sự quan tâm trên toàn cầu như hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 trong tuần này tại Johannesburg.

Bản thân điều này cho thấy, tầm quan trọng của khối đã tăng lên kể từ hội nghị đầu tiên - ở cấp độ bộ trưởng kinh tế - bên lề Diễn đàn Kinh tế St.Petersburg năm 2006 và hội nghị thượng đỉnh ở Ekaterinburg năm 2009.

Anil Sooklal - Đại sứ lưu động của Nam Phi tại châu Á - cho biết, 23 quốc gia đã chính thức xin gia nhập BRICS, trong khi danh sách các quốc gia cử đại diện tham dự hội nghị ở Nam Phi nhiều gấp 3 lần.

Theo ông Dmitry Trenin - Giáo sư Trường Kinh tế Cao cấp, nghiên cứu viên chính tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, thành viên Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, đây là một dấu hiệu của thời đại và chỉ ra hai điều: mong muốn của nhiều quốc gia không thuộc phương Tây trở nên quan trọng hơn đối với cách thế giới vận hành và mong muốn đẩy lùi sự thống trị của phương Tây trong chính trị, kinh tế, tài chính toàn cầu, cũng như trên truyền thông. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là BRICS sẽ dễ dàng định hình lại trật tự thế giới.

Trước Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg, có hai vấn đề nổi lên như những thách thức chính đối với sự phát triển hơn nữa của nhóm. Một là mở rộng thành viên. Một số quốc gia từ khắp nơi trên thế giới đã xếp hàng trước cửa BRICS, sẵn sàng bước vào.

Những quốc gia này bao gồm Algeria, Argentina, Bangladesh, Belarus, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cuba, Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Mexico, Nigeria, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu việc mở rộng như vậy có làm cho BRICS ngay lập tức trở nên mạnh mẽ hơn hay không?

Trong chính BRICS, các quan điểm về việc mở rộng cũng khác nhau. Tất nhiên, đã có những mô hình có thể tham khảo, chẳng hạn Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - bắt đầu với Nga, Trung Quốc và ba quốc gia Trung Á. Theo thời gian, SCO đã tìm ra công thức phân loại các quốc gia tham gia và các tiêu chí kiêm quy trình để kết nạp thành viên chính thức mới.

SCO đến nay đã bao gồm cả Ấn Độ, Pakistan, Uzbekistan và Iran, cùng với một số thành viên khác đang xếp hàng để được kết nạp. Nếu cách tiếp cận SCO được BRICS áp dụng thì đây có thể là một giải pháp.

Thách thức khác đối với BRICS là đưa ra các công cụ tài chính mới nhằm giảm sự phụ thuộc của các nền kinh tế ngoài phương Tây vào đồng USD. Những căng thẳng địa chính trị mới khiến vấn đề này trở nên cấp bách. Những hạn chế của phương Tây đã cản trở hoạt động của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS.

Nhóm đã kêu gọi tạo ra một loại tiền tệ chung để phá vỡ sự độc quyền của đồng USD trong nền tài chính thế giới. Tuy nhiên, rõ ràng là việc tạo ra một đồng tiền dự trữ cho 5 nền kinh tế rất khác nhau, trong đó Trung Quốc chiếm 2/3 tổng GDP danh nghĩa của nhóm, sẽ đi ngược lại nguyên tắc chủ quyền quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt. Mục tiêu ban đầu là đảm bảo sự độc lập về tài chính sẽ không đạt được.

Tuy nhiên, một cách thực tế hơn sẽ là cải thiện thói quen sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại giữa các nước BRICS. Đồng nhân dân tệ và đồng rúp chiếm hơn một nửa kim ngạch thương mại Trung-Nga; Nga chấp nhận đồng rupee cho lượng dầu vận chuyển đến Ấn Độ; Brazil giao dịch bằng đồng nhân dân tệ với Trung Quốc...

Mặc dù các giao dịch này có ưu điểm là không bị nước thứ ba can thiệp nhưng chúng có thể và thực sự phải chịu chi phí do khả năng chuyển đổi của một số loại tiền tệ, việc sử dụng hạn chế của chúng bên ngoài quốc gia phát hành và sự không ổn định của tỉ giá hối đoái. Trong thời điểm hiện tại, việc cải thiện hệ thống thanh toán quốc tế trong nội bộ BRICS là điều hợp lý, trong lúc chờ thiết lập đồng tiền chung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn