MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo các nước Nam Phi, Trung Quốc, Brazil, Nga và Ấn Độ dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 theo hình thức trực tuyến, ngày 23.6.2022. Ảnh: Xinhua

BRICS tiến tới thêm thành viên

Ngạc Ngư LDO | 14/08/2023 06:08

Gần 2 tuần nữa, hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm BRICS sẽ được nước chủ nhà Nam Phi tổ chức ở Thủ đô Johannesburg. Bốn thành viên còn lại của nhóm là Ấn Độ, Brazil, Nga và Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Lula da Silva và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tới Nam Phi tham dự sự kiện. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin không tới dự trực tiếp để giúp Nam Phi không bị khó xử liên quan đến việc ông Putin bị Toà án Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt giữ.

Một trong những nội dung quan trọng trên chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao của nhóm BRICS là mở rộng nhóm để kết nạp thành viên mới.

Theo những phát ngôn của đại diện các thành viên thì hiện đã có tới vài chục quốc gia trên thế giới ngỏ ý mong muốn được kết nạp làm thành viên của BRICS. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có những quốc gia sau đây chính thức đệ đơn xin gia nhập BRICS: Ai Cập, Algeria, Argentina, Bolivia, Indonesia, Iran, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.

Con số 9 quốc gia nói trên tuy chưa phải là nhiều nhưng đã đủ để làm cho hiện tượng trở thành xu thế: Nhóm BRICS trở nên ngày càng hấp dẫn đối với thế giới bên ngoài và việc mở rộng nhóm đã trở thành vấn đề mà 5 thành viên hiện tại của nhóm BRICS phải nhanh chóng giải quyết chứ không chần chừ.

Trong thời gian nhiều năm trước đây, nhóm BRICS không được các nước bên ngoài quan tâm và coi trọng. Nhưng thời cuộc hiện tại đã làm thay đổi nhận thức ấy. Có hai nguyên nhân lý giải cho sự chuyển biến quan điểm này.

Thứ nhất, các tổ chức và liên kết đa phương quốc tế vốn luôn được đề cao và có được ảnh hưởng, vai trò nổi trội trên thế giới như nhóm G7 hay nhóm G20, bị sa sút uy danh và tín nhiệm trên thế giới, hoạt động kém hiệu quả thiết thực và trở thành khuôn khổ diễn dàn đối địch chính trị giữa một số thành viên hoặc nhóm thành viên với nhau.

Thứ hai, sự phân rẽ và bất đồng quan điểm, xung khắc lợi ích giữa một số thành viên hoặc nhóm thành viên trong các khuôn khổ diễn đàn, tổ chức đa phương quốc tế làm cho các khuôn khổ diễn đàn hay tổ chức này không tiến triển được đáng kể gì trong việc giải quyết những vấn đề đang đặt ra.

Trong bối cảnh tình hình như thế, nhóm BRICS có cơ hội thuận lợi rất hiếm thấy để nổi bật trở thành tập hợp lực lượng cuốn hút các nước trên thế giới, giúp nhiều quốc gia có được đối trọng đối với các khuôn khổ diễn đàn và tổ chức đa phương quốc tế khác. Nhóm BRICS không thể không nắm bắt và tận dụng cơ hội này nếu muốn vươn tới vai trò chính trị nổi trội thật sự trong thế giới hiện đại.

Ở cuộc gặp cấp cao sắp tới tại Nam Phi, nhóm BRICS chắc chưa đưa ra quyết định cụ thể sẽ kết nạp ai vào nhóm trong thời gian sắp đến, nhưng sẽ phải phát đi thông điệp cụ thể và rõ ràng về chủ ý trong chuyện mở rộng nhóm, mà cụ thể ở đây chắc chắn sẽ phải là mở cửa nhóm để đón chào thành viên mới.

Việc tiếp theo mà nhóm này phải làm là công bố những điều kiện và tiêu chí cũng như lộ trình thời gian cụ thể cho quá trình kết nạp thành viên mới. Nói theo cách khác, nhóm BRICS tại cuộc gặp cấp cao tới đây ở thành phố Johannesburg sẽ khởi động tiến trình mở rộng nhóm.

Mở rộng nhóm là cách dùng thêm lượng để tăng chất đối với BRICS. Chỉ khi thêm thành viên thì nhóm BRICS mới có thể trở thành một liên kết có ảnh hưởng chính trị thế giới đủ lớn để cùng quyết định chiều hướng diễn biến tình hình thế giới trên mọi phương diện và chiếm phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn