MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân phun thuốc chống muỗi bên ngoài bệnh viện ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh chụp màn hình

Bùng sốt xuất huyết ở Bangladesh, hơn 1.000 người chết

Thanh Hà LDO | 03/10/2023 17:19

Dữ liệu chính thức cho thấy hơn 1.000 người đã chết vì sốt xuất huyết trong đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất được ghi nhận ở Bangladesh.

Theo số liệu do Tổng cục Dịch vụ Y tế Bangladesh công bố ngày 2.10 (giờ địa phương), kể từ tháng 1.2023, 1.017 người đã chết vì sốt xuất huyết, trong đó có hơn 100 trẻ em, với số ca nhiễm bệnh tăng lên hơn 208.000.

Sốt xuất huyết là bệnh đặc hữu ở quốc gia Nam Á này, với các ca lây nhiễm thường đạt đỉnh điểm vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, năm nay, số ca mắc sốt xuất huyết tăng sớm hơn nhiều, bắt đầu từ cuối tháng 4.

Các nhà khoa học cho biết, mùa mưa kéo dài, trong đó nhiệt độ cao hơn kết hợp với mưa lớn không đều đặn tạo điều kiện sinh sản lý tưởng cho muỗi Aedes - loài truyền bệnh sốt xuất huyết.

Truyền thông Bangladesh đưa tin, hệ thống y tế của đất nước đã chịu sức ép vì số ca bệnh sốt xuất huyết, các bệnh viện đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh và nhân viên y tế.

Đáng chú ý, tỉ lệ tử vong do đợt bùng phát sốt xuất huyết năm nay cao gần gấp 4 lần so với năm ngoái - năm có 281 người chết. Theo cơ quan y tế Bangladesh, chỉ riêng trong tháng 9, đã có hơn 79.600 ca sốt xuất huyết và 396 ca tử vong.

Mối lo bùng phát sốt xuất huyết ở Bangladesh trong những tháng lạnh hơn cũng tăng lên. Năm ngoái, số ca sốt xuất huyết đạt đỉnh điểm vào tháng 10 với hầu hết ca tử vong được ghi nhận trong tháng 11.

Trước đây, các đợt bùng phát sốt xuất huyết tại Bangladesh thường chỉ giới hạn ở các trung tâm đô thị đông dân như thủ đô Dhaka - nơi sinh sống của hơn 20 triệu người. Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh lây lan nhanh chóng đến mọi quận huyện trên cả nước, bao gồm cả khu vực nông thôn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết là bệnh đặc hữu ở hơn 100 quốc gia và mỗi năm có từ 100 triệu đến 400 triệu người mắc bệnh.

WHO cũng cảnh báo, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu đã tăng gấp 8 lần trong 2 thập kỷ qua.

Khi khủng hoảng khí hậu tồi tệ hơn, các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết, Zika, Chikungunya và sốt vàng da có thể sẽ lan rộng hơn và gây tác động lớn hơn bao giờ hết đến sức khỏe con người.

Năm nay, sốt xuất huyết đã tấn công nghiêm trọng tới Nam Mỹ và Peru đang chiến đấu với đợt bùng phát tồi tệ nhất trong lịch sử. Các ca sốt xuất huyết ở Florida, Mỹ khiến chính quyền phải đặt một số hạt trong tình trạng báo động.

Ở châu Á, số ca sốt xuất huyết tăng đột biến xảy ra ở Sri Lanka, Thái Lan và Malaysia cùng các quốc gia khác. Các quốc gia ở châu Phi cận Sahara, như Chad, cũng ghi nhận bùng phát sốt xuất huyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn