MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hộp sọ của cá sấu có sừng đã tuyệt chủng ở Madagascar (Voay robustus). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ.

Cá sấu có sừng đã tuyệt chủng được trả về đúng vị trí trên cây tiến hóa

Hải Anh LDO | 28/04/2021 19:30
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ dẫn đầu đã giải quyết tranh cãi lâu nay về loài cá sấu có sừng đã tuyệt chủng ở Madagascar.

Chìa khóa để hiểu cá sấu hiện đại

Dựa trên ADN cổ đại, nghiên cứu cho thấy cá sấu có sừng có quan hệ gần gũi với cá sấu "thật", bao gồm cả cá sấu sông Nile nổi tiếng, nhưng ở một nhánh riêng của họ cá sấu.

Nghiên cứu được công bố ngày 27.4 trên tạp chí Communications Biology.

Nghiên cứu mới này cho kết quả trái ngược với nhận định khoa học trước đó về các mối quan hệ tiến hóa của cá sấu có sừng, đồng thời cho thấy tổ tiên của cá sấu hiện đại có thể có nguồn gốc từ Châu Phi.

"Con cá sấu này đã ẩn náu trên đảo Madagascar trong thời gian mọi người đang xây dựng những kim tự tháp và có lẽ vẫn ở đó khi những tên cướp biển mắc cạn trên đảo" - giáo sư trợ lý Evon Hekkala tại Đại học Fordham và là nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, nói.

Bà lưu ý, loài cá sấu này tồn tại ngay trước khi nhân loại có các công cụ gene hiện đại sẵn có để hiểu về mối quan hệ của các sinh vật. "Chúng là chìa khóa để hiểu câu chuyện về tất cả những con cá sấu còn sống ngày nay" - bà nói.

Hộp sọ của cá sấu có sừng đã tuyệt chủng ở Madagascar (Voay robustus). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ.

Sự xuất hiện của con người hiện đại ở Madagascar từ khoảng 9.000 đến 2.500 năm trước dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài động vật lớn trên đảo, bao gồm rùa khổng lồ, chim voi, hà mã lùn và một số loài vượn cáo.

Một cuộc tuyệt chủng ít được biết đến đã xảy ra trong thời kỳ này là của loài cá sấu có sừng đặc hữu Voay robustus.

Các nhà thám hiểm đến Madagascar giai đoạn đầu lưu ý rằng, người dân địa phương luôn đề cập đến hai loại cá sấu trên đảo: Một loại cá sấu to khỏe mạnh và một loại có hình dáng nhỏ hơn, ưa thích các con sông.

Điều này cho thấy cả 2 loại cá sấu ở Madagascar vẫn còn tồn tại cho đến rất gần đây, nhưng chỉ có dạng cá sấu nhỏ hơn vẫn còn ở trên đảo tới ngày nay. Loại cá sấu Madagascar ngày nay được công nhận là một quần thể cá sấu sông Nile (Crocodylus niloticus).

Hàng thế kỷ tranh cãi vị trí trên cây tiến hóa

Dù đã trải qua gần 150 năm điều tra nhưng vị trí của cá sấu có sừng trên cây tiến hóa vẫn còn nhiều tranh cãi. Những năm 1870, cá sấu có sừng lần đầu tiên được mô tả là một loài mới trong nhóm "cá sấu thật", bao gồm cá sấu sông Nile, Châu Á và Châu Mỹ.

Sau đó, vào đầu thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu cho rằng những mẫu hóa thạch của loài này chỉ đơn giản là đại diện cho những con cá sấu sông Nile rất cổ.

Cuối cùng, năm 2007, một nghiên cứu dựa trên các đặc điểm vật lý của các mẫu hóa thạch kết luận cá sấu có sừng thực sự không phải là cá sấu thật mà nằm trong nhóm trong đó có cá sấu lùn.

Để kiểm nghiệm đầy đủ vị trí của cá sấu có sừng trên cây tiến hóa, Hekkala và các cộng sự tại bảo tàng đã nỗ lực giải trình tự ADN từ các mẫu hóa thạch, bao gồm cả hai hộp sọ được bảo quản tốt tại bảo tàng từ những năm 1930.

Kết quả nghiên cứu xác định cá sấu có sừng được đặt ngay cạnh nhánh cá sấu thật trên cây tiến hóa, đưa loài cá sấu này trở thành loài gần nhất với tổ tiên chung của loài cá sấu còn sống ngày nay.

"Vị trí của cá thể này cho thấy cá sấu thật có nguồn gốc từ Châu Phi và từ đó, một số đến Châu Á và một số đến Caribbean và Tân thế giới. Chúng tôi thực sự cần ADN để có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này" - George Amato, giám đốc danh dự của Viện So sánh Hệ gene học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu, lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn