MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cửa hàng Burger King ở Mátxcơva, Nga, ngày 3.5.2023. Ảnh: AP

Các công ty phương Tây nhận quả đắng khi rời khỏi Nga

Ngọc Vân LDO | 28/03/2024 18:21

Các công ty phương Tây nhận quả đắng là khoản thiệt hại lên tới 107 tỉ USD khi rời khỏi Nga.

Phân tích của Reuters cho thấy, cuộc di cư khỏi Nga kể từ cuộc chiến Ukraina năm 2022 đã khiến các công ty phương Tây thiệt hại hơn 107 tỉ USD và mất doanh thu.

Con số tổn thất đã tăng 1/3 kể từ lần kiểm kê cuối cùng vào tháng 8 năm ngoái, nhấn mạnh quy mô của thiệt hại tài chính đối với thế giới doanh nghiệp do chiến sự Ukraina.

Ian Massey, Giám đốc Tình báo Doanh nghiệp tại Công ty tư vấn rủi ro toàn cầu S-RM, cho biết: “Khi chiến sự Nga - Ukraina tiếp tục diễn ra trong bối cảnh viện trợ quân sự của phương Tây đang chững lại và mức độ trừng phạt Nga ngày càng gia tăng, các công ty vẫn muốn rời khỏi Nga có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn hơn nữa và phải chấp nhận các khoản lỗ lớn hơn”.

Mátxcơva yêu cầu giảm giá ít nhất 50% khi bán tài sản nước ngoài và liên tục thắt chặt các yêu cầu rút lui, thường chấp nhận phí danh nghĩa chỉ 1 rúp.

Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, việc bán tài sản thuộc sở hữu của Shell, HSBC, Polymetal International và Yandex NV đã được công bố, với tổng trị giá gần 10 tỉ USD và mức giảm giá lên tới 90%. Tuần trước, công ty thực phẩm Danone cho biết đã nhận được sự chấp thuận theo quy định để xử lý tài sản ở Nga, khiến công ty lỗ tổng cộng 1,3 tỉ USD.

Theo phân tích của Trường Quản lý Yale, khoảng 1.000 công ty đã rời khỏi Nga, mặc dù hàng trăm công ty bao gồm nhà bán lẻ Pháp Auchan và Benetton vẫn đang hoạt động hoặc tạm dừng hoạt động kinh doanh ở đó.

Một cửa hàng của thương hiệu United Colors of Benetton ở St. Petersburg, Nga, ngày 29.4.2023. Ảnh: AP

Các quốc gia phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỉ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga. Đức đã quốc hữu hóa nhà máy Germania của Gazprom, đổi tên thành Sefe và đặt nhà máy lọc dầu Schwedt của Rosneft dưới sự ủy thác của Đức.

Nga tuyên bố sẽ trả đũa các đề xuất của EU nhằm sử dụng hàng tỉ euro tiền lãi từ tài sản bị đóng băng của Nga, đồng thời cảnh báo về những hậu quả thảm khốc, nói rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm chiếm đoạt vốn hoặc tiền lãi đều bị coi là "cướp bóc".

Các ngân hàng phương Tây cũng lo ngại về những tranh chấp pháp lý nếu tịch thu tài sản của Nga.

Ông Massey nói: “Không có tài sản nào của phương Tây ở Nga có thể được coi là an toàn chừng nào chiến sự còn tiếp tục”.

Mátxcơva đã nắm quyền kiểm soát tạm thời tài sản thuộc sở hữu của một số công ty phương Tây, trong đó có Fortum, Carlsberg, OMV và Uniper.

Hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga tính toán rằng phương Tây có thể mất tài sản và khoản đầu tư trị giá ít nhất 288 tỉ USD nếu Mátxcơva trả đũa.

Tính toán này dựa trên dữ liệu đầu tư trực tiếp của EU, các quốc gia G7, Australia và Thụy Sĩ vào nền kinh tế Nga vào cuối năm 2022 đạt tổng cộng 288 tỉ USD.

Trong số này các quốc gia EU có 223 tỉ USD, bao gồm đó 98 tỉ USD của Cyprus, 50 tỉ USD của Hà Lan và 17 tỉ USD của Đức.

Sắc lệnh năm 2022 cấm các nhà đầu tư từ các quốc gia "không thân thiện" - những quốc gia đã áp đặt lệnh trừng Nga - bán cổ phần trong các dự án năng lượng quan trọng và ngân hàng mà không có sự chấp thuận rõ ràng của tổng thống.

Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất mặt hàng chủ lực hàng ngày và hàng tiêu dùng vẫn chưa rời khỏi Nga hoàn toàn, cho rằng người dân Nga phụ thuộc vào sản phẩm của họ.

Các công ty vẫn hoạt động hoặc kinh doanh ở Nga gồm Mondelez International, PepsiCo, Auchan, Nestle, Unilever, Reckitt và British American Tobacco.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn