MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lò hỏa táng ở Đức cần khí đốt để hoạt động. Ảnh: Getty

Các lò hỏa táng ở Đức đối mặt nguy cơ đóng cửa

Ngọc Vân LDO | 03/08/2022 09:30
Các lò hỏa táng ở Đức không thể hoạt động nếu không có khí đốt.

Các lò hỏa táng ở Đức có thể phải vật lộn để tồn tại trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc - Reuters đưa tin.

Nguồn cung cấp khí đốt từ Nga giảm và nếu Mátxcơva cắt hoàn toàn khí đốt có thể dẫn đến việc giảm số lượng các lò hỏa táng hoạt động ở Đức.

Trong bối cảnh khí đốt ngày càng cạn kiệt, Đức đang tắt bớt một số lò hỏa táng, trong khi vẫn giữ những lò khác hoạt động liên tục. Nếu để những lò này nguội đi thì sẽ cần nhiều khí đốt hơn để hoạt động trở lại. Tuy nhiên, không phải tất cả các lò hỏa táng đều có thể hoạt động theo mô hình như vậy, Svend-Joerk Sobolewski - chủ tịch hiệp hội hỏa táng của Đức - nói với Reuters.

Ông Sobolewski cho biết thêm, trong trường hợp phải phân phối khí đốt, các lò hỏa táng này nên được ưu tiên vì hầu hết không thể hoạt động mà không có khí đốt. “Không ai có thể tắt cái chết được” - ông Sobolewski giải thích.

Một khả năng khác là giảm nhiệt độ trung bình của lò từ 850 độ C hiện tại xuống 750 độ C, có thể tiết kiệm từ 10% đến 20% khí đốt, nhưng bước này phải được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước - theo Stephan Neuser, người đứng đầu hiệp hội các nhà sản xuất của Đức.

Hỏa táng là phong tục tang lễ phổ biến nhất ở Đức, chiếm gần 3/4 trong số khoảng 1 triệu dịch vụ tang lễ mỗi năm.

Kinh tế Đức đối mặt nguy cơ suy thoái

Lạm phát của Đức có thể vượt quá 10% vào cuối năm nay nếu nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị cắt - Christian Sewing, giám đốc ngân hàng Deutsche Bank cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung.

Giám đốc điều hành Deutsche Bank chỉ ra rằng việc mất nguồn cung cấp khí đốt từ Nga “sẽ có tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế ở Đức” và quốc gia này “chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái”.

Khoảng một nửa số hộ gia đình ở Đức dựa vào khí đốt để cung cấp điện và sưởi ấm. Ảnh: AFP

Lạm phát ở Đức đã tăng vọt trong tháng 7, tăng lên 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 8,2% vào tháng 6. Giá lương thực tăng cao và giá năng lượng tăng cao tiếp tục ảnh hưởng đến đất nước.

Theo DW, giá khí đốt đã tăng hơn gấp đôi kể từ cuối năm ngoái, lên 0,13 euro (0,13 USD) mỗi kilowatt giờ. Một số nhà cung cấp còn tăng giá nhiều hơn. Công ty năng lượng khổng lồ Vattenfall đang tính giá cho khách hàng mới ở Berlin 0,25 euro mỗi kilowatt giờ.

Ở Đức, một hộ gia đình 4 người trung bình trong một căn hộ rộng 100 mét vuông sử dụng khoảng 18.000 kilowatt giờ mỗi năm, tương đương 1.080 euro (1.099 USD) vào năm ngoái. Theo giá hiện tại, mức tiêu thụ đó bây giờ sẽ là 3.240 euro, tương đương thu nhập trung bình hàng tháng.

Tuần rồi, Thủ hiến bang Sachsen Michael Kretschmer nói với tờ Die Zeit rằng, cô lập Nga và chấm dứt hợp tác kinh tế với Mátxcơva là điều nguy hiểm đối với Đức, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi về một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraina.

“Tôi nghĩ ý tưởng cô lập Nga vĩnh viễn hoặc không bao giờ hợp tác kinh tế nữa là vô lý và nguy hiểm… Một nước Nga hướng về Trung Quốc và không có quan hệ với Châu Âu sẽ nguy hiểm hơn nhiều đối với chúng ta” - ông Kretschmer nói.

Quan chức này cho biết ông lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt Nga đối với nền kinh tế và an ninh năng lượng của Đức. Ông kêu gọi "chủ nghĩa thực dụng" trong quan hệ với Nga và EU để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình và "đóng băng" xung đột ở Ukraina. Theo ông Kretschmer, một lệnh ngừng bắn sẽ không chỉ chấm dứt những cái chết, mà còn "tạo cơ hội cho việc cung cấp nguyên liệu thô, đáng chú ý nhất là nhiên liệu hóa thạch và ngũ cốc”.

Khoảng một nửa số hộ gia đình ở Đức dựa vào khí đốt để cung cấp điện và sưởi ấm, và khoảng 1/3 năng lượng cho ngành công nghiệp của Đức là từ khí đốt. Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraina, có tới một nửa lượng khí đốt đó do Nga cung cấp. Tuy nhiên, lượng giao hàng đã giảm trong những tuần gần đây vì lý do kỹ thuật hoặc chính trị.

Theo ông Kretschmer, bất chấp các kế hoạch chuyển đổi năng lượng và chương trình nghị sự chính trị đầy tham vọng, Đức sẽ cần nguồn cung cấp khí đốt từ Nga ít nhất trong 5 năm tới.

“Nếu chúng ta nhận ra rằng bây giờ chúng ta không thể từ bỏ khí đốt của Nga, thì đó là điều cay đắng nhưng nó là thực tế, và chúng ta phải hành động cho phù hợp” - ông Kretschmer nói.

“Toàn bộ hệ thống kinh tế của chúng ta có nguy cơ sụp đổ. Nếu chúng ta không cẩn thận, Đức có thể trở thành nước phi công nghiệp hóa” - ông Kretschmer nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn