MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng tê tê không phải là vật chủ lây truyền COVID-19. Ảnh: AP

Các nhà khoa học Trung Quốc “giải oan” cho nguồn gốc của COVID-19

Song Minh LDO | 26/03/2020 21:00
Các nhà khoa học Trung Quốc “giải oan” cho tê tê - vật được cho nguồn gốc của COVID-19 và lây virus sang người.

Tờ SCMP dẫn lời các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, tê tê không có khả năng là vật chủ truyền virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 ở người.

Tê tê, động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng, được cho có thể là vật chủ của virus sau khi một loạt bài báo nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa SARS-CoV-2 với các loại virus tương tự được tìm thấy trong tê tê.

Nhưng một nhóm nghiên cứu do ông Zhang Zhigang, Đại học Vân Nam dẫn đầu, nói với tạp chí Science Daily của Trung Quốc hôm 25.3 rằng, bằng chứng cho thấy những điểm tương đồng di truyền này không vượt qua ngưỡng 99% cần thiết để virus lây từ tê tê sang người.

Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang cố gắng theo dõi cách thức con người mắc COVID-19 và ngăn chặn đại dịch. Ông Zhang cho biết các động vật như dơi và tê tê được biết đến là vật chủ tự nhiên của các loại virus tương tự SARS-CoV-2, nhưng vật chủ tự nhiên thường không thể truyền virus cho người.

Thay vào đó, các nhà nghiên cứu cần xác định vật chủ trung gian mà qua đó virus Corona được truyền đi.

Dơi và tê tê đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi các nhà khoa học xác định chúng là những động vật mang virus có chung phần lớn cấu trúc di truyền với virus Corona.

Vào tháng 1, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc do ông Shi Zhengli, Viện Virus học Vũ Hán, phát hiện ra rằng SARS-CoV-2 có chung tới 96% trình tự gene với BatCoV RaTG13, một loại virus Corona khác được tìm thấy trên dơi móng ngựa (Rhinolophus affinis), sống trong các hang động ở tỉnh Vân Nam, vật chủ trung gian có thể truyền bệnh.

Trong một bài báo nghiên cứu được công bố vào tuần trước trên tờ Current Biology, nhóm nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng virus Corona trên tê tê Malaya, có tên là Pangolin-CoV, là họ hàng gần thứ hai của SARS-CoV-2 vì hai loại virus này giống nhau đến 91,02% trình tự gene.

Đầu tháng 2, các nhà nghiên cứu từ Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc cho biết họ đã tìm thấy sự tương đồng tới 99% giữa hai loại virus và tuyên bố tê tê Malaya là “vật chủ trung gian tiềm năng”. Nhưng sau đó họ đã sửa đổi kết quả của mình, hạ con số xuống chỉ còn 90,3%.

Guan Yi, một nhà virus học của Đại học Hong Kong, sau đó cũng cho biết nghiên cứu của riêng ông chỉ cho thấy 92,4% tương đồng.

Trong cuộc phỏng vấn, Zhang cho biết nghiên cứu của Shi loại bỏ dơi móng ngựa là vật chủ trung gian truyền virus cho người, nhưng các loài dơi khác có thể đã truyền virus và các nhà khoa học nên tiếp tục nghiên cứu.

Nếu dơi móng ngựa và tê tê Malaya có thể được chứng minh là vật chủ tự nhiên, thì môi trường sống tự nhiên hiện tại của chúng có thể là nơi bắt nguồn của COVID-19, ông Zhang nói.

“Vấn đề quan trọng bây giờ là xác định vật chủ trung gian, và việc lây từ động vật sang người xảy ra ở đâu? Tại sao dịch bệnh xảy ra ở Vũ Hán? Những câu hỏi này nên là hướng đi chính của các nghiên cứu khoa học trong tương lai” - ông Zhang nói thêm.

Dơi móng ngựa thường được tìm thấy ở Nam Á, miền nam, miền trung Trung Quốc và Đông Nam Á. Tê tê Malaya (Manis javanica), còn được gọi là tê tê Sunda hoặc Javan, có thể được tìm thấy trên khắp Đông Nam Á.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn