MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đeo khẩu trang trên đường phố Manila, Philippines. Ảnh: EPA

Các nước đối phó dịch COVID-19: Phạt nặng bệnh nhân giấu lịch sử đi lại

Thanh Hà LDO | 10/03/2020 12:52

Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines đều có những động thái mạnh mẽ nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra

Sửa đổi luật để chuẩn bị cho “kịch bản xấu nhất”

Tuần này, Nhật Bản dự kiến sửa đổi luật để cho phép Thủ tướng Abe Shinzo ban bố tình trạng khẩn cấp chính thức với dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra nếu cần thiết, Reuters đưa tin ngày 9.3. 

Chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo có kế hoạch ngày 10.3 đệ trình lên quốc hội một dự luật nhằm sửa đổi luật năm 2012 để có thể ban bố tình trạng khẩn cấp với dịch COVID-19 nếu cần thiết. Quốc hội Nhật Bản dự kiến sẽ phê chuẩn dự luật này vào ngày 13.3.

Luật pháp của Nhật Bản cho phép thủ tướng ban bố tình trạng khẩn cấp chính thức nếu dịch bệnh đặt ra “nguy hiểm nghiêm trọng” cho sinh mạng và nếu sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh có thể tác động rất lớn tới nền kinh tế. Tác động dịch bệnh đã làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế của Nhật Bản.

Theo luật này, thống đốc các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh có thể yêu cầu người dân ở trong nhà, đóng cửa các cơ sở công cộng, trưng dụng đất đai và các tòa nhà cho các cơ sở y tế hoặc yêu cầu vận chuyển hàng hóa khẩn cấp. Tình trạng khẩn cấp có thể kéo dài tới 2 năm với khả năng gia hạn thêm 1 năm.

Reuters cho hay, ông Abe Shinzo không làm rõ trường hợp nào sẽ dẫn tới ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng nhấn mạnh hôm 9.3 rằng, động thái này là để chuẩn bị cho “kịch bản xấu nhất”. 

NHK dẫn số liệu chính thức cho biết, số ca nhiễm virus ở Nhật Bản tính tới trưa ngày 9.3 lên tới 483 ca. Ngoài ra, quốc đảo cũng có khoảng 700 ca dương tính với virus được xác nhận trên tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly gần Tokyo hồi tháng trước. Cho tới nay, có 14 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản, trong đó có 7 ca là bệnh nhân từ tàu Diamond Princess. 

Ban bố tình trạng y tế khẩn cấp 

Philippines ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về dịch do virus SARS-CoV-2 có thể lây lan mà không bị phát hiện ở thủ đô Manila và các khu vực lân cận. 

Tổng thống Rodrigo Duterte nêu trong tuyên bố phát ngày 9.3 rằng, dịch bệnh đặt ra một tình huống khẩn cấp đe dọa an ninh quốc gia, đòi phỏi phải có sự vào cuộc của toàn bộ chính quyền, Straits Times đưa tin. 

Trước đó, ngày 7.3, Bộ Y tế Philippines đã nâng mức cảnh báo ở nước này lên mã đỏ cấp 1 - cấp cao thứ 2 trong thang cảnh báo ở nước này sau khi xác nhận ca lây lan cục bộ địa phương.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế giúp cung cấp các quỹ để giúp chính quyền các địa phương chuẩn bị cho việc lây lan cộng đồng trên quy mô lớn cũng như nới lỏng các quy định về mua sắm các bộ xét nghiệm, khẩu trang, thiết bị bảo vệ và các nguồn lực khác mà đội ngũ nhân viên y tế cần để đối phó với dịch bệnh. 

Bộ trưởng Y tế Francisco Duque lưu ý, nếu tình hình tiếp tục leo thang và nước này phải đối mặt với sự lây lan cộng đồng mạnh, chính phủ sẽ phải nâng mức cảnh báo lên mã đỏ cấp 2. Mức cảnh báo cao nhất này cho phép cách ly hoặc phong tỏa toàn bộ các cộng đồng dân cư, ngừng hoạt động trường học và công sở. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng còn quá sớm để cần tới biện pháp phong tỏa. Cho tới nay, Philippines xác nhận có 20 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có một ca tử vong đầu tiên vì dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra ngoài Trung Quốc.

Phạt nặng bệnh nhân giấu lịch sử đi lại

Cơ quan y tế Hàn Quốc cảnh báo hôm 9.3 rằng, bất cứ bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 nào che giấu lịch sử đi lại, nơi ở và các thông tin quan trọng khác sẽ phải đối diện với hình phạt nặng, Yonhap đưa tin. 

“Chính quyền có thể áp đặt mức phạt dưới 10 triệu won (tương đương 8.296 USD) nếu các bệnh nhân không nêu trung thực lịch sử di chuyển với giới chức y tế” - Thứ trưởng Kim Ganglip nhấn mạnh. 

Các biện pháp này được đưa ra sau khi một bệnh nhân 78 tuổi tại một bệnh viện ở Seoul được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 hôm 8.3 đã liên tục lừa nhân viên bệnh viện và cung cấp thông tin sai lệch về nơi cư trú cũng như các thông tin khác.

Nữ bệnh nhân là một cư dân ở thành phố Daegu - tâm bùng phát dịch do virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc nhưng phủ nhận đã di chuyển nhiều lần tới thành phố này. Theo bệnh viện Baik ở trung tâm thủ đô Seoul, bệnh nhân giấu nơi cư trú bởi đã bị từ chối cho vào một bệnh viện đa khoa khác ở Seoul.

Bệnh viện Baik tạm thời đóng cửa phòng cấp cứu từ ngày 8.3 sau khi phát hiện bệnh nhân này che giấu lịch sử di chuyển. Tất cả các nhân viên y tế và bác sĩ có tiếp xúc với bệnh nhân này hiện đang tự cách ly. 

Thứ trưởng Kim Ganglip cũng lưu ý, chính quyền sẽ áp dụng các biện pháp hành chính xử lý các bệnh viện từ chối điều trị cho các bệnh nhân từ Daegu mà không có lý do y tế rõ ràng. 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) tới 16h chiều 9.3, Hàn Quốc ghi nhận tổng số 7.478 ca nhiễm virus và 51 ca tử vong.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn