MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các nước mua được vaccine COVID-19 sớm nhờ biện pháp gì?

Hải Anh LDO | 02/06/2021 18:07
Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Anh... đã đặt trước hàng chục triệu liều khi chưa có loại vaccine COVID-19 nào được chứng minh hiệu quả.

Cách mua sớm vaccine COVID-19

Thỏa thuận Mua Vaccine Trước (APA) là những hợp đồng để mua một lượng vaccine đáng kể ngay từ trước khi vaccine được đưa vào sử dụng mà các chính phủ, tổ chức quốc tế, công ty tư nhân hoặc công ty bảo hiểm đạt được với các nhà sản xuất vaccine.

Điều khoản của APA khá đa dạng, tùy thuộc vào đàm phán giữa các bên. Trong nhiều trường hợp, khoản thanh toán cho công ty phụ thuộc vào thành công của vaccine. Nhưng cũng có trường hợp, việc đầu tư không liên quan đến hiệu quả của vaccine. Do vậy, nếu vaccine không được phê duyệt, cả bên mua và hãng sản xuất đều mất tiền.

Đầu tư vào cái gọi là sản xuất vaccine COVID-19 có rủi ro đã được một số quốc gia và tổ chức, như Mỹ và Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI), thực hiện từ rất sớm. Hoạt động đầu tư này có nghĩa là tài trợ cho các hãng vaccine sản xuất hàng loạt dù sản phẩm vẫn trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Mỹ vô cùng quyết liệt nhằm nhanh chóng đạt được các hợp đồng mua vaccine. Tính đến cuối tháng 8.2020, Mỹ chi gần 10 tỉ USD để đảm bảo ít nhất 700 triệu liều vaccine COVID-19 từ AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Novavax và Sanofi.

Anh đàm phán thành công với một loạt hãng sản xuất vaccine để đảm bảo ít nhất 250 triệu liều, gấp gần 4 lần so với dân số 66 triệu người. Liên minh Châu Âu (EU) cũng đồng ý mua ít nhất 300 triệu liều vaccine AstraZeneca, đồng thời đàm phán với một loạt hãng vaccine khác.

Một số quốc gia giàu có khác như Nhật Bản và Australia, cũng đã ký các hợp đồng mua trước. Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) cũng cho biết 1 tỉ liều Sputnik V đã được đặt trước từ 20 quốc gia.

6 loại vaccine được WHO phê duyệt

Ngày 1.6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt dùng khẩn cấp CoronaVac, vaccine của hãng dược Sinovac (Trung Quốc), nâng tổng số vaccine được WHO phê duyệt lên 6 loại, gồm sản phẩm của Mỹ, Anh sử dụng công nghệ mới mARN hoặc vector virus và phương pháp virus bất hoạt truyền thống như các vaccine của Trung Quốc.

Vaccine Pfizer là loại vaccine đầu tiên được cơ quan y tế toàn cầu đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp đầu tháng 1 năm nay. Vaccine Pfizer sử dụng công nghệ mARN. Miễn dịch do vaccine Pfizer kéo dài ít nhất 6 tháng nếu tiêm hai liều. Vaccine Pfizer đã được sử dụng ở 103 nước.

Ngày 15.2, WHO phê duyệt vaccine của AstraZeneca - vaccine nòng cốt trong sáng kiến COVAX. Vaccine được điều chế dựa trên công nghệ vector virus. Hiện có 173 nước sử dụng vaccine AstraZeneca.

Vaccine Johnson & Johnson (J&J) được WHO cấp phép khẩn cấp vào tháng 3. Vaccine điều chế bằng công nghệ vector virus giống với AstraZeneca. Ưu thế của vaccine J&J là tiêm một liều. Vaccine có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường không cần đến tủ đông siêu lạnh như của Pfizer. Vaccine J&J được triển khai ở 24 nước.

Vaccine Moderna được WHO phê duyệt cuối tháng 4. Vaccine sử dụng công nghệ mRNA giống Pfizer. Ưu điểm của vaccine này là không cần bảo quản cực lạnh. Có 49 nước đang sử dụng vaccine của Moderna.

Vaccine Sinopharm là vaccine đầu tiên của Trung Quốc được WHO phê duyệt dùng khẩn cấp hồi tháng 5. Vaccine được triển khai ở 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 về số quốc gia sử dụng, sau AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Vaccine của Sinopharm sử dụng công nghệ truyền thống để điều chế vaccine là virus bất hoạt.

Vaccine Sinovac là vaccine mới nhất được WHO phê duyệt khẩn cấp ngày 1.6. Trước đó, vaccine đã được sử dụng ở Trung Quốc và hơn 20 nước khác. Vaccine điều chế bằng virus bất hoạt, giống của Sinopharm.

Với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, đặc biệt là công nhân, người lao động nghèo được tiêm vaccine phòng COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Báo Lao Động phát động Chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo”.

Toàn bộ kinh phí ủng hộ chương trình sẽ được chuyển tới Bộ Y tế để mua vaccine, tiêm cho công nhân, người lao động nghèo trên toàn quốc.

Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” xin gửi về Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:

  1. Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:

    Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748
    Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.

  2. Chuyển tiền qua tài khoản:

    • STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
    • STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    • STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
    • Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ vaccine

  3. Hỗ trợ qua Ví Momo:

    - Mở Ví Momo .
    - Chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn” .
    - Thực hiện theo hướng dẫn.
    - Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ vaccine.

  4. Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.

.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn