MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi nước có quy định riêng về hoạt động quyên góp tiền từ thiện. Ảnh: AFP

Các nước quản lý hoạt động quyên góp từ thiện ra sao?

Bảo Châu LDO | 05/10/2021 11:47
Hoạt động từ thiện, quyên góp ủng hộ những người gặp khó khăn trong xã hội là hành động đáng hoan nghênh ở bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, mỗi nước có những quy định riêng cho hoạt động này.

Anh

Theo BBC, Luật Từ thiện (Charities Act 2011) của Anh quy định hoạt động cứu trợ thiên tai, cứu trợ nhân đạo thuộc một trong số các hình thức hoạt động từ thiện, vốn có phạm vi quản lý rất rộng.

Việc đóng góp cho từ thiện luôn là việc bình thường, hợp pháp từ lâu tại Anh. Trong lịch sử Anh, hoạt động tế bần, cứu trợ dân bị thiên tai, dịch bệnh đã có từ nhiều thế kỷ. Vua chúa, giáo hội, các hội đoàn hiệp sĩ, tu viện thường đi đầu trong công tác này.

Ngày nay, hoạt động thiện nguyện ở Anh không còn mang tính chất tôn giáo mà là một hoạt động dân sự bình thường và được khuyến khích. Hình thức từ thiện tại Anh đảm bảo sự đa dạng của xã hội, không phân biệt đối xử và hoàn toàn không đặt khối xã hội dân sự đối đầu với nhà nước. Tuy nhiên, theo luật Anh, hoạt động từ thiện cần phải đăng ký để chính quyền giám sát hoạt động theo tiêu chuẩn luật pháp, tránh lạm dụng, lừa đảo. Ngoài ra, còn để được công nhận quyền miễn trừ thuế thu nhập với hoạt động từ thiện.

Cùng lúc, hệ thống Common Law (luật bất thành văn, là các án lệ được tòa án sử dụng) của Anh, Australia, Canada và Mỹ lại cũng cho phép hoạt động từ thiện được vận hành mà không cần đăng ký nhưng phải tuân thủ quy định của Common Law.

Số đăng ký từ thiện (charity number) đi kèm việc khai thuế, nhà nước hạn chế thu nhập của chính tổ chức và người làm từ thiện. 

Tinh thần của luật này là cần đăng ký mọi hoạt động đem lại thu nhập cho tổ chức, cá nhân làm từ thiện nhiều hơn 100 nghìn bảng Anh (tương đương 136.000 USD) trong một năm đóng thuế.

Các khoản cao hơn mức đó và được ''miễn thuế thu nhập'' sẽ không rơi vào túi người làm từ thiện mà được chuyển lại cho hoạt động từ thiện sau khi Sở Thuế Hoàng gia (HMRC) hoàn lại cho hội đoàn từ thiện ở dạng Gift Aid để làm công tác thiện nguyện.

Theo ông Iain McLintock từ tổ chức phi lợi nhuận CharityConnect trong một bài phỏng vấn năm 2019, chỉ trong năm 2018, cả nước Anh ''tiết kiệm'' được 600 triệu bảng (tương đương 816 triệu USD) tiền Gift Aid - bồi hoàn thuế từ các quỹ từ thiện.

Australia

Trang thông tin của Ủy ban các hoạt động Từ thiện và Phi lợi nhuận Australia (ACNC) đăng tải thông tin hướng dẫn quy định rõ nghĩa vụ quản lý và minh bạch tài chính của các thành viên tổ chức hoạt động từ thiện.

Theo đó, người làm công tác từ thiện sau khi huy động được các nguồn lực đóng góp cần thiết phục vụ cho công việc từ thiện, cần phải đảm bảo rằng nguồn lực này không bị lạm dụng và được sử dụng một cách hiệu quả và hợp pháp theo quy định của tiểu bang và vùng lãnh thổ.

Họ phải đảm bảo rằng, mọi hoạt động phát sinh quỹ đều diễn ra theo cách có lợi nhất cho hoạt động từ thiện. Điều này bao gồm việc xem xét mục đích từ thiện, những người thụ hưởng và tác động đến công chúng và các nhà tài trợ tiềm năng khác. Ví dụ, thông tin về các nhà tài trợ phải được lưu trữ lại và đảm bảo quyền riêng tư.

Liên quan đến việc quản lý và sử dụng tiền từ thiện, người làm công việc từ thiện phải lưu trữ hồ sơ tài chính, báo cáo hàng năm, thông báo cho cơ quan chức năng khi có thay đổi và đáp ứng các quy định khác. Nếu không tuân thủ, họ sẽ có nguy cơ nhận án phạt từ ACNC.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn