MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giàn khoan dầu khí Oseberg H. Ảnh minh hoạ: Harald Pettersen for Statoil

Các ông lớn dầu khí đầu tư mạnh vào thăm dò ngoài khơi

Thanh Hà LDO | 04/07/2023 16:05

Thăm dò dầu khí ngoài khơi vốn là hoạt động tốn kém, rủi ro cao nhất nhưng cũng mang lại lợi nhuận nhiều nhất.

Hoạt động dầu khí thượng nguồn (tức thăm dò và sản xuất) vốn mang lại lợi nhuận khoảng 15-20%, trong khi hầu hết các dự án năng lượng tái tạo mang lại lợi nhuận ở mức 8%.

Giá dầu và giá khí đốt tăng khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra đã mang lại lợi nhuận kỷ lục cho các công ty năng lượng lớn.

Bối cảnh này khiến lòng tin vào các hoạt động thăm dò ngoài khơi tăng lên. Đây vốn là hoạt động tốn kém, rủi ro cao nhất nhưng cũng mang lại lợi nhuận nhiều nhất.

Giám đốc điều hành công ty dịch vụ mỏ dầu SLB Olivier Le Peuch cho biết: "Đang là thời kỳ phục hưng của các dự án thăm dò ngoài khơi”.

Theo Reuters, các nhà cung cấp dữ liệu và đơn vị tư vấn hàng đầu trong ngành cũng chung nhận định này.

Tháng 5 năm nay, số lượng tàu khoan ngoài khơi được sử dụng để thăm dò và sản xuất dầu khí đã phục hồi về mức trước đại dịch. Con số này cũng tăng 45% so với mức thấp nhất ghi nhận tháng 10.2020, theo phân tích dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes.

Các nhà phân tích của Wood Mackenzie dự đoán hoạt động này sẽ tiếp tục tăng, dự báo hoạt động khoan và thăm dò ngoài khơi sẽ tăng 20% vào năm 2025.

Hiện tại, hoạt động khoan thăm dò dầu khí tăng đã đẩy giá thuê giàn khoan hàng ngày lên mức cao nhất kể từ năm 2014.

Nhà phân tích Leslie Cook của Wood Mackenzie cho biết: “Giá dầu cao hơn, việc tập trung vào an ninh năng lượng, lợi thế phát thải của vùng nước sâu đã hỗ trợ phát triển vùng nước sâu và ở một mức độ nào đó thúc đẩy hoạt động thăm dò".

Quy mô tiềm năng của các mỏ ngoài khơi có thể đảm bảo tính kinh tế xét về mặt quy mô, tức sử dụng ít năng lượng hơn để khai thác từng thùng và hạn chế khí thải.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, các khoản đầu tư vào dầu khí thượng nguồn toàn cầu sẽ tăng khoảng 11% lên 528 tỉ USD vào năm 2023, mức cao nhất kể từ năm 2015.

Công ty Barclays dự kiến số dự án ngoài khơi được phê duyệt trong năm 2023 sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm.

Trong khi đó, Wood Mackenzie dự đoán, các cam kết sẽ lên tới 185 tỉ USD để phát triển 27 tỉ thùng dầu dự trữ, trong đó các doanh nghiệp dầu mỏ quốc tế tập trung phát triển ở vùng nước sâu - nơi có chi phi cao hơn và lợi nhuận cũng cao hơn.

Wood Mackenzie cũng dự đoán khu vực được gọi là "Tam giác Vàng" - Duyên hải vịnh Mexico của Mỹ, Nam Mỹ và Tây Phi - cũng như một phần của Địa Trung Hải - sẽ chiếm 75% nhu cầu giàn khoan nổi toàn cầu cho đến năm 2027.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn