MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nước đang gấp rút đặt mua thuốc Molnupiravir của hãng Merck. Ảnh: Merck

Các quốc gia Châu Á chạy đua đặt mua thuốc điều trị COVID-19

Song Minh LDO | 18/10/2021 06:30

Các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương đang gấp rút đặt mua thuốc kháng virus Molnupiravir - "vũ khí" mới nhất chống COVID-19, mặc dù thuốc này thậm chí còn chưa được cấp phép sử dụng.

Thuốc kháng virus dạng uống đầu tiên chữa COVID-19

Molnupiravir của công ty dược phẩm Mỹ Merck được dự báo là loại thuốc hữu dụng có khả năng thay đổi cuộc chiến chống COVID-19, đặc biệt là đối với những người không thể tiêm chủng. Merck đang đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp Molnupiravir và nếu được cấp phép, Molnupiravir sẽ trở thành thuốc kháng virus dạng uống đầu tiên điều trị COVID-19.

Mặc dù loại thuốc này có nhiều hứa hẹn nhưng giới chuyên gia lo lắng một số người sẽ sử dụng thuốc để thay thế cho vaccine, vốn vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ tốt nhất. Các chuyên gia đồng thời cảnh báo, cuộc chạy đua dự trữ thuốc Molnupiravir của Châu Á có thể lặp lại tình trạng mua vaccine vào năm ngoái, khi các nước giàu hơn bị cáo buộc tích trữ vaccine trong lúc các nước thu nhập thấp hơn chưa đặt mua.

"Molnupiravir thực sự có tiềm năng để thay đổi cuộc chơi một chút. Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta không lặp lại lịch sử - rằng chúng ta không rơi vào những mô hình tương tự hoặc lặp lại những sai lầm tương tự đối với vaccine COVID-19" - CNN dẫn lời bà Rachel Cohen, giám đốc điều hành Bắc Mỹ của tổ chức phi lợi nhuận Drugs for Neglected Diseases Initiative, cho biết.

Molnupiravir được coi là một bước tiến tích cực vì nó cung cấp một phương pháp điều trị COVID-19 mà bệnh nhân không cần phải nằm viện. Bác sĩ, phó giáo sư Sanjaya Senanayake tại Trường Y Đại học Quốc gia Australia cho hay, không giống như vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch, Molnupiravir ngăn chặn virus sinh sôi.

Hồi đầu tháng 10, kết quả sơ bộ giai đoạn 3 từ một thử nghiệm trên 700 bệnh nhân chưa được tiêm chủng cho thấy, thuốc viên Molnupiravir có thể giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong. Wendy Holman, giám đốc điều hành của Ridgeback Biotherapeutics, công ty đang hợp tác phát triển Molnupiravir, cho biết kết quả rất đáng khích lệ, và bà hy vọng loại thuốc này có thể tạo ra "tác động sâu sắc trong việc kiểm soát đại dịch".

Mặc dù vậy, các chuyên gia nói rằng thuốc uống không phải là biện pháp thay thế cho vaccine. Theo bác sĩ Senanayake, cách tiếp cận sẽ tương tự như cách chúng ta điều trị bệnh cúm - có vaccine cúm, nhưng cũng có thuốc kháng virus để điều trị những người bị bệnh.

Các nước Châu Á - Thái Bình Dương gấp rút đặt mua

Theo công ty phân tích Airfinity, ít nhất 10 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết các thỏa thuận hoặc đang đàm phán để mua thuốc, bao gồm New Zealand, Australia và Hàn Quốc - các nước bắt đầu chương trình vaccine tương đối chậm. Bà Rachel Cohen cho rằng một số quốc gia thu nhập thấp đang cố gắng không rơi vào cái bẫy mà họ đã mắc phải khi các quốc gia có thu nhập cao tích trữ tất cả các loại vaccine.

Không rõ mỗi quốc gia này sẽ trả bao nhiêu để mua Molnupiravir. Theo CNN, Mỹ đã đồng ý trả 1,2 tỉ USD cho 1,7 triệu liệu trình Molnupiravir nếu thuốc được phê duyệt, có nghĩa là chính phủ đang trả khoảng 700 USD cho mỗi liệu trình. Một phân tích của các nhà nghiên cứu Melissa Barber và Dzintars Gotham cho thấy chi phí sản xuất một liệu trình Molnupiravir khoảng 18 USD. Merck không xác nhận liệu những ước tính này có chính xác hay không. Công ty cho biết chưa công bố giá cho Molnupiravir vì thuốc chưa được chấp thuận sử dụng. Công ty có một thỏa thuận mua trước với chính phủ Mỹ và mức giá đó không đại diện cho giá niêm yết của Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.

Trong một tuyên bố vào tháng 6, Merck cho biết họ có kế hoạch sử dụng cách tiếp cận định giá theo từng cấp độ cho các quốc gia khác nhau và cũng đã ký kết các thỏa thuận cấp phép với các nhà sản xuất chung để đẩy nhanh cung cấp thuốc ở 104 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Bất bình đẳng

Các quốc gia có thu nhập thấp hơn có thể gặp bất lợi khi sử dụng thuốc uống Molnupiravir, mà yếu tố đầu tiên là làm thế nào có thể tiếp cận được thuốc. Theo tổ chức phi lợi nhuận "Bác sĩ không biên giới", hãng Merck kiểm soát bằng sáng chế và có thể quyết định cung cấp thuốc cho những quốc gia nào và với giá bao nhiêu. Tổ chức này kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc để các quốc gia trên thế giới có thể sản xuất và như vậy có khả năng cứu sống nhiều người hơn. Trước đó trong đại dịch, các nhà hoạt động đã thúc đẩy việc từ bỏ bằng sáng chế vaccine COVID-19, nhưng yêu cầu này đã bị một số ít chính phủ chặn lại.

Bà Rachel Cohen cho biết, các công cụ và công nghệ y tế nên được coi là hàng hóa công cộng - và tình hình này đã đặt ra câu hỏi về cách chúng ta có thể đảm bảo những lợi ích đó được chia sẻ một cách công bằng. Bà bày tỏ lo ngại nhất là việc tiếp cận công bằng với thuốc kháng virus có thể đặc biệt khó khăn ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. 

Về phần mình, bác sĩ Senanayake cũng bày tỏ lo ngại về việc các nước giàu có sẽ tích trữ thuốc. Bác sĩ cảnh báo, nếu chỉ bảo vệ đất nước của chính mình trong khi đại dịch vẫn diễn ra ở các quốc gia khác, thì một biến thể mới kháng thuốc rất có thể sẽ xuất hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn