MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd diễn ra bên ngoài Nhà Trắng tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP

Cái chết của George Floyd hối thúc Quốc hội Mỹ hành động

Thanh Hà LDO | 06/06/2020 07:07

Cái chết của George Floyd khi bị cảnh sát thành phố Minneapolis, Mỹ bắt giữ và các cuộc biểu tình diễn ra sau đó thúc giục cả đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ kêu gọi điều trần về duy trì luật pháp và trật tự của lực lượng cảnh sát, đồng thời khiến một số nhà lập pháp lên kế hoạch công bố dự luật về bạo lực của cảnh sát vào tuần tới. 

Thời cơ thích hợp

Cái chết của George Floyd là diễn biến mới nhất trong hàng loạt các vụ tử vong đáng chú ý của người da đen trong một số vụ việc mà các nhà hoạt động dân sự và một vài chính trị gia cáo buộc là cảnh sát da trắng sử dụng vũ lực không thích hợp và là hình mẫu của thành kiến lâu dài trong hệ thống tư pháp Mỹ, theo Reuters. 

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi - nghị sĩ đảng Dân chủ, tuyên bố hôm 4.6 rằng, bà và các nhà lãnh đạo nhóm Nghị sĩ người da đen (Congressional Black Caucus) sẽ công bố các biện pháp vào ngày 8.6 để “giải quyết vấn đề bạo lực của cảnh sát” cũng như sự bất bình đẳng chủng tộc trong thực thi pháp luật. 

Bà Nancy Pelosi cho biết, nước này đã đạt tới “một điểm uốn” sau cái chết của George Floyd - có thể giúp các biện pháp này nhận được sự ủng hộ. 

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham của đảng Cộng hòa thì nói rằng, có “thời cơ thích hợp” cho lập pháp lưỡng đảng cải thiện các hoạt động của cảnh sát cộng đồng. Ông cam kết tổ chức một phiên điều trần ngày 16.6 về duy trì luật pháp và trật tự của lực lượng cảnh sát và chủng tộc. 

Ủy ban Tư pháp của Hạ viện cũng dự kiến tổ chức phiên điều trần tương tự về những vấn đề này vào ngày 10.6. 

Người đàn ông da đen George Floyd đã chết sau khi bị viên cảnh sát Derek Chauvin ghì đầu gối vào cổ trong gần 9 phút trong quá trình bắt giữ vào ngày 25.5. Cảnh sát Derek Chauvin bị buộc tội giết người cấp độ 2 và 3 cảnh sát khác tham gia vụ bắt giữ cũng đối mặt với các cáo buộc hình sự ở mức nhẹ hơn. 

Khai tử miễn trừ có điều kiện 

Một số nhà lập pháp đã thúc đẩy việc ban hành luật để đưa phương pháp ôm chặt cổ đối tượng của cảnh sát là sự vi phạm quyền dân sự liên bang, cũng như mở đường cho các vụ kiện dân sự chống lại cảnh sát. Dự luật đề xuất này được nghị sĩ Justin Amash - một đảng viên đảng Tự do hậu thuẫn và có sự tham gia của một số nhà lập pháp tự do nhất của Hạ viện tham gia. 

Ba thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ Kamala Harris, Cory Booker và Ed Markey cũng đã đưa ra một nghị quyết để loại bỏ các biện pháp phòng vệ được gọi là “miễn trừ có điều kiện” mà dự luật của nghị sĩ Justin Amash cũng tìm cách chấm dứt.

Một điều tra của Reuters công bố hồi tháng 5 đã tiết lộ về biện pháp “miễn trừ có điều kiện” vốn được Tòa án Tối cao Mỹ liên tục cải tiến trong nhiều năm, khiến cảnh sát có nhiều quyền miễn trừ hơn trong xử lý các vụ việc có thể gây thương vong cho dân thường. 

Nghị quyết của các thượng nghị sĩ cho rằng, người da đen là nạn nhân không cân xứng của vũ lực quá mức mà lực lượng thực thi pháp luật áp dụng và cái chết của George Floyd là hệ quả của “sự phân biệt chủng tộc có hệ thống và lan tràn không thể bị loại bỏ mà không có sự điều chỉnh thích hợp của các tòa án, cũng như những bên khác”. 

Thượng nghị sĩ Roy Blunt - một trong những đảng viên Cộng hòa hàng đầu, kêu gọi Bộ Tư pháp Mỹ đẩy mạnh các động thái thực thi chống lại hành vi sai trái của cảnh sát. Ông cho rằng, hiện tại, bộ đã ngừng sử dụng một số công cụ pháp lý tại chỗ để giám sát các cơ quan cảnh sát. Đây là những công cụ đáng chú ý đã được sử dụng để giải quyết vụ một cảnh sát da trắng bắn chết thiếu niên da đen Mike Brown ở Ferguson, Missouri năm 2014. 

Bất kỳ hành động lập pháp nào cũng sẽ phải thông qua Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, cũng như được Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn để trở thành luật. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn