MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh ở Berlin để thảo luận về Libya. Ảnh: UN

Cam kết hòa bình cho nội chiến Libya

Hải Anh LDO | 21/01/2020 10:00

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các cường quốc nước ngoài khác cam kết sẽ chấm dứt mọi can thiệp vào cuộc xung đột vũ trang ở Libya. Đây là một phần trong nỗ lực do Đức làm trung gian nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang và hỗn loạn ở quốc gia Bắc Phi này, đồng thời chuẩn bị nền tảng cho tiến trình hòa bình do Liên Hợp Quốc bảo trợ.

Ngừng bắn, giải trừ các nhóm vũ trang

Cam kết được nêu trong văn bản được các nhà lãnh đạo thế giới nhất trí tại hội nghị có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi diễn ra tại Berlin hôm 19.1.

Văn bản cũng kêu gọi một lệnh ngừng bắn lâu dài và các động thái nhằm hướng tới “giải trừ các nhóm vũ trang và dân quân”. Các cường quốc bên ngoài được hối thúc tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc áp đặt với Libya, theo Financial Times.

“Mọi người đều đồng ý rằng chúng ta cần một giải pháp chính trị. Không để cơ hội cho một giải pháp quân sự” - Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng, các cường quốc cam kết toàn diện với một nghị quyết hòa bình ở Libya sau hội nghị thượng đỉnh tại Berlin. Ông cho hay, tất cả các cường quốc dự hội nghị đều chia sẻ một cam kết mạnh mẽ để ngăn chặn bất kỳ sự leo thang thêm nào nữa trong khu vực.

Cuộc nội chiến ở Libya diễn ra trong bối cảnh Quân đội miền Đông Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar chống lại Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Hai bên trong cuộc nội chiến Libya đều có mặt tại Berlin nhưng không phải với tư cách các bên chính thức dự hội nghị và cũng không gặp nhau. Dù vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, hai bên đã được các bên khác tóm tắt và tham vấn.

Theo Financial Times, Tướng Khalifa Haftar và Thủ tướng Libya Fayez al-Serraj đã nhất trí đề cử 5 thành viên cho một ủy ban quân sự sẽ đảm nhận nhiệm vụ thiết lập một lệnh ngừng bắn lâu dài. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng, cuộc họp đầu tiên của ủy ban sẽ được triệu tập tại Geneva trong những ngày tới.

Một bước tiến nhỏ

Hội nghị Berlin được gọi là một phần trong nỗ lực ngoại giao rộng lớn hơn nhằm ngăn chặn sự leo thang hơn nữa và tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình do Liên Hợp Quốc lãnh đạo tại Libya. Hội nghị diễn ra sau một cuộc họp tại Mátxcơva, Nga hồi tuần trước khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn chính thức.

Tuy nhiên, trên thực địa, theo Financial Times, có dấu hiệu mới về sự leo thang quân sự khi các lực lượng vũ trang trung thành với Tướng Khalifa Haftar đóng cửa một đường ống dẫn dầu và tạm dừng xuất khẩu dầu thô từ các cảng dưới sự kiểm soát của vị tướng này. Tổng Thư ký Antonio Guterres, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề này.

Ông Sergei Lavrov nhận định, các cường quốc “chưa thành công trong việc phát động một cuộc đối thoại nghiêm túc và ổn định” giữa các bên tham chiến. Ông đồng thời cho rằng, cả hai bên trong cuộc nội chiến ở quốc gia Bắc Phi này đã tiến “một bước nhỏ”.

Các nhà phân tích cũng bày tỏ nghi vấn liệu tất cả các cường quốc bên ngoài có giữ cam kết không can thiệp và ngăn chặn dòng chảy vũ khí như đã cam kết tại hội nghị không. Hai phe trong cuộc nội chiến của Libya đã phụ thuộc rất nhiều vào sự hậu thuẫn ngoại giao và quân sự từ nước ngoài, với Nga, Ai Cập, UAE và Pháp đứng về phía Tướng Khalifa Haftar trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Italia hỗ trợ chính phủ ở Tripoli.

Ông Jalel Harchaoui - nghiên cứu viên tại Viện Clingendael, Hà Lan, nhận định, kết quả của hội nghị tại Berlin hôm 19.1 là khiêm tốn. Chuyên gia cũng cảnh báo, các bên tham chiến vẫn chưa đồng ý với lệnh ngừng bắn chính thức và không có cơ chế để thực thi lệnh cấm vận vũ khí.  

Các nhà ngoại giao và phân tích phương Tây cho rằng cuộc xung đột ở Libya nổ ra phần lớn do sự can thiệp từ bên ngoài. Tarek Megerisi - nghiên cứu viên chính sách của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Châu Âu nói rằng: “Sự lặp lại gần đây nhất là từ bên ngoài. Phần lớn các tay súng đến từ nước ngoài, tiền đến từ nước ngoài và vũ khí đến từ nước ngoài”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn