MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: AFP.

Căn bệnh nào khiến ông Abe Shinzo từ chức Thủ tướng Nhật Bản?

Thanh Hà LDO | 29/08/2020 17:39
Viêm loét đại tràng là căn bệnh mãn tính khiến Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ chức lần thứ 2 vào ngày 28.8 vừa qua. 

Căn bệnh của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo mắc là bệnh lý mãn tính có thể gây loét và viêm nhiễm kéo dài ở đường tiêu hóa, SCMP thông tin. 

Được gọi là viêm loét đại tràng, bệnh lý này ảnh hưởng đến lớp niêm mạc trong cùng của ruột già và trực tràng, với các triệu chứng phát triển theo thời gian chứ không phải khởi phát đột ngột.

Hãng tin có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc) lưu ý, ông Abe được cho là đã gặp tình trạng này từ khi còn trẻ. Ông từng chia sẻ về những đợt bệnh khi ông còn học trung học cơ sở. Triệu chứng bệnh của ông trở nặng hơn trong những tháng gần đây. Viêm loét đại tràng thường xảy ra từng đợt, đôi khi kéo dài hàng năm giữa các đợt bệnh. 

Ông Abe Shinzo đã thẳng thắn nói về tình trạng của mình, xác nhận với truyền thông trong nước rằng ông bắt đầu dùng Asacol hoặc axit 5-aminosalicylic (5-ASA) vào năm 2009 - 2 năm sau khi ông từ chức thủ tướng Nhật Bản lần đầu. Thuốc này mới được phê duyệt ở Nhật Bản nhưng đã có mặt ở một số nước khác được một thời gian. 

Các triệu chứng của tình trạng viêm loét đại tràng có thể bao gồm tiêu chảy (có thể kèm theo máu hoặc mủ), đau bụng, chuột rút, đau trực tràng và chảy máu. Tình trạng bệnh lý này cũng liên quan tới việc sút cân, sốt và mệt mỏi. Ước tính có khoảng 11,2 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi bệnh viêm loét đại tràng và bệnh Crohn (bệnh viêm ruột).

Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm loét đại tràng chưa được làm rõ nhưng chế độ ăn uống và căng thẳng bị nghi là các yếu tố góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Xét từ việc viêm loét đại tràng có tỉ lệ lớn hơn ở các nước phát triển dẫn tới có ý kiến cho rằng bệnh là do giảm tiếp xúc với các bệnh nhiễm trùng đường ruột khi còn trẻ hoặc do chế độ ăn uống và lối sống phương Tây hóa.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, căn bệnh này đã trở nên phổ biến hơn kể từ những năm 1950.

Một yếu tố kích hoạt hiện đang được nghiên cứu là sai chức năng ở hệ thống miễn dịch khi bệnh viêm loét đại tràng được ghi nhận là một bệnh di truyền.

Viêm loét đại tràng gây suy nhược và thậm chí đôi khi đe dọa đến tính mạng. Bệnh này hiện chưa được chữa khỏi dù ngày càng có nhiều phương pháp điều trị có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng, thậm chí một số phương pháp mang lại sự thuyên giảm lâu dài. 

Tuy nhiên, có nguy cơ biến chứng đáng kể, bao gồm viêm đại tràng, thủng ruột kết, có các cục máu đông, viêm mắt, khớp và gan và thậm chí là ung thư. Sự tiến bộ của y học giúp người mắc bệnh viêm loét đại tràng về cơ bản có thể kiểm soát được nhưng buộc phải trải qua nội soi đại tràng thường xuyên để kiểm tra về ung thư. 

Theo SCMP, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo được hiểu là đã trải qua các cuộc kiểm tra y tế toàn diện, trong đó có cả nội soi, 6 tháng một lần khi tại nhiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn