MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số lượng lớn vết chân khủng long tại một địa điểm khai quật ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Cận cảnh di tích khảo cổ ''sàn nhảy khủng long'' ở Trung Quốc

Phương Linh LDO | 13/04/2021 15:23
Trung Quốc đã tìm thấy một lượng lớn dấu chân khủng long, còn gọi là "sàn nhảy khủng long" ở khu vực phía đông nước này.

Nhà cổ sinh vật học Xing Lida - thành viên nhóm nghiên cứu từ Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc - cho biết, "Sàn nhảy" là một địa điểm khai quật rộng hàng nghìn mét vuông ở huyện Thương Xương, tỉnh Phúc Kiến, miền đông Trung Quốc. Tại đây, các nhà khoa học đã phát hiện khoảng 300 dấu chân khủng long.

Sự tập trung của nhiều dấu chân khủng long chỉ ra rằng đây có thể là con đường cho khủng long di chuyển trong khu vực trong một khoảng thời gian tương đối ngắn của kỷ Phấn trắng muộn, ông Xing nói thêm.

Tổng cộng đã có tới 600 dấu chân khủng long được tìm thấy tại cùng địa điểm ''sàn nhảy khủng long'' ở huyện Thương Xương, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Những dấu chân lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 11.2020, xác định được hơn 240 dấu chân khủng long hóa thạch. Thêm 364 dấu chân khủng long khác đã được tìm thấy vào đầu tháng 4 vừa rồi.

Cho đến nay, hơn 600 dấu chân khủng long đã được phát hiện tại hiện trường khai quật, với diện tích khoảng 1.600 mét vuông. Địa điểm này nằm ở một ngôi làng trong huyện.

Ông Xing cho biết, số lượng dấu chân khủng long dự kiến ​​sẽ vượt trên 1.000 vì công việc khai quật vẫn được tiến hành, lưu ý rằng các dấu vết từ 80 triệu năm trước được cho là của ít nhất 8 loại khủng long, bao gồm cả loài sauropod, theropod lớn và nhỏ và ornithopod.

Trong số các dấu chân khủng long mới được phát hiện, có cả những dấu vết do các loài sauropod lớn để lại. Chúng vốn là những sinh vật ăn cỏ có cổ và phần đuôi dài với chiều dài cơ thể lên tới 20m.

Hiện trường khai quật cũng xuất hiện những dấu chân có chiều dài chưa đến 10cm - thuộc về loài khủng long chân chim dài khoảng 1m.

Dấu vết của loài khủng long chân chim. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo các nhà khoa học, đây là di chỉ lớn nhất và đa dạng nhất của loại hình này từng được phát hiện ở Trung Quốc với niên đại từ kỷ Phấn trắng muộn.

Chen Runsheng - Phó Giám đốc Cơ quan Khảo sát Địa chất Phúc Kiến và một thành viên của nhóm nghiên cứu - cho hay, địa điểm khai quật này tự hào có cấu trúc trầm tích địa chất phong phú, cho thấy nó từng tiếp giáp với nguồn nước nơi khủng long tiêu thụ thức ăn và nước uống.

Sau quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ tìm thấy các hóa thạch khác của khủng long trong khu vực, ngoài các dấu chân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn