MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cận cảnh phòng Hội thảo Geneva do Thụy Sỹ thiết kế. Ảnh: Đại sứ quán Thụy Sỹ

Cận cảnh nơi kết nối Thủ đô của Hòa bình Geneva với Hà Nội

Thanh Hà LDO | 25/11/2021 12:12
Phòng Hội thảo Geneva tại tòa nhà giảng đường mới của Học viện Ngoại giao Việt Nam được xem là nơi chính thức kết nối thành phố Geneva - Thủ đô của Hòa bình - với Thủ đô Hà Nội, Việt Nam. 

Tuần này, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber và TS. Phạm Lan Dung - quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) đã cùng nhau khánh thành phòng Hội thảo Geneva tại tòa nhà giảng đường mới của Học viện Ngoại giao Việt Nam. 

Theo Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, Đại sứ Ivo Sieber nhấn mạnh: “Phòng Hội thảo Geneva được khánh thành đánh dấu thêm một cột  mốc quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa Thụy Sỹ và Việt Nam. Từ nay, thành phố Geneva – Thủ đô của Hòa bình – chính thức được kết nối với Thủ đô Hà Nội của Việt Nam".

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber. Ảnh: Đại sứ quán Thụy Sỹ

Tại buổi lễ, Đại sứ Thụy Sỹ Ivo Sieber cũng đã giới thiệu việc Thụy Sỹ ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2024.

Theo Đại sứ, sau 20 năm là thành viên của Liên Hợp Quốc, Thụy Sỹ đã sẵn sàng gánh vác nhiều trách nhiệm hơn nữa cũng như thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cam kết lâu dài của Thụy Sỹ với luật pháp, hòa bình, và an ninh trên quy mô quốc tế.

Thụy Sỹ muốn trở thành “Điểm Cộng cho Hòa bình” với cam kết mạnh mẽ cho nhân loại, phát triển bền vững, chủ nghĩa đa phương, đổi mới sáng tạo và hòa bình. 

Theo Đại sứ quán Thụy Sỹ, phòng Hội thảo Geneva do Thụy Sỹ thiết kế nội thất minh họa phong cảnh tự nhiên của hồ Geneva với những ngọn núi xinh đẹp.

Phòng hội thảo này có ý nghĩa biểu tượng tuyệt vời và mang đến một sự gắn kết đầy cảm hứng giữa hai thành phố Geneva và Hà Nội. Là nơi đặt trụ sở của Liên Hợp Quốc tại Châu Âu từ năm 1945, Geneva chính là trung tâm hoạt động của hệ thống đa phương.

Được mệnh danh là Thủ đô của Hòa bình, Geneva đóng vai trò là nơi đối thoại, bao gồm cả các hội nghị và tiến trình hòa bình.

Tinh thần cởi mở của Geneva tho phép những người có quan điểm và ý kiến khác biệt tranh luận một cách sâu rộng và khoan dung, tạo nên các cuộc thảo luận mang tính xây dựng. 

Khánh thành phòng Hội thảo Geneva là một điểm nhấn trong hàng loạt sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sỹ và Việt Nam trong năm 2021.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Thụy Sỹ thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 11.10.1971. Tháng 2.1973, Thụy Sỹ mở Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 3.1994 mở Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 3.7.1984, Việt Nam mở Lãnh sự quán tại Geneva và nâng cấp lên Tổng lãnh sự quán vào ngày 15.12.1994. Ngày 28.1.2000, Việt Nam chính thức khai trương Đại sứ quán tại thủ đô Bern.

Toàn cảnh phòng Hội nghị Geneva. Ảnh: Đại sứ quán Thụy Sỹ

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hai quốc gia ở hai châu lục Á-Âu cũng thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Thời gian qua, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước diễn ra tốt đẹp. Là một trong số ít các nước Tây Âu duy trì viện trợ phát triển và hợp tác kinh tế đối với Việt Nam trong ba thập kỷ qua, tổng kinh phí tài trợ của Thụy Sỹ dành cho Việt Nam lên tới 600 triệu USD. Các dự án hợp tác phát triển do Thụy Sỹ tài trợ ở cả song phương và đa phương được triển khai tích cực, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn