MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lóa Mặt trời kết hợp với phun trào nhật hoa diễn ra hôm 1-2.11. Ảnh: NASA

Cẩn trọng với bão Mặt trời quét qua Trái đất hôm nay

Song Minh LDO | 04/11/2021 09:38
Bão Mặt trời dự kiến quét qua Trái đất trong ngày 4.11, theo dự đoán của các nhà khoa học.

Vài ngày qua là thời gian bận rộn đối với Mặt trời của chúng ta, nơi bão Mặt trời đã xuất phát từ ba vụ phun trào nhật hoa (CME - coronal mass ejection) kể từ ngày 1.11.

Vụ phun trào nhật hoa là plasma và các đường sức từ phun ra từ vành nhật hoa - bầu khí quyển bên ngoài của Mặt trời. Theo cơ quan vũ trụ Mỹ NASA, một vụ phun trào nhật hoa lớn có thể chứa hàng tỉ tấn vật chất di chuyển ở vận tốc hàng triệu kilomet mỗi giờ.

Vụ phun trào nhật hoa đôi khi xảy ra sau khi xuất hiện "lóa mặt trời" (solar flare) dù cả 2 hiện tượng liên quan tới Mặt trời này độc lập với nhau.

Vụ phun trào nhật hoa từ Mặt trời ngày 2.11. Ảnh: NASA
 

Các vụ phun trào nhật hoa bắn các khối khí và từ trường ra ngoài không gian, thường là từ các vết đen trong từ trường của Mặt trời. Vào ngày 1 và 2.11, một vết đen Mặt trời được gọi là AR2887 đã giải phóng hai trong số những đợt phun trào này. Sau đó, vào cuối ngày 2.11, một vết đen Mặt trời thứ hai có tên là AR2891 cũng tạo ra vụ phun trào nhật hoa.

Theo dữ liệu của SpaceWeather.com, vụ phun trào thứ ba diễn ra nhanh hơn hẳn, do đó nó đã quét qua tất cả vụ phun trào nhật hoa trước đó, nên có biệt danh là vụ phun trào nhật hoa "ăn thịt người".

Cả ba vụ phun trào nhật hoa đều hướng ít nhiều về phía Trái đất và các nhà khoa học dự đoán rằng kết quả là một vụ phun trào nhật hoa lớn đến Trái đất vào tối 3.11 và tạo ra các cơn bão Mặt trời, còn gọi là bão địa từ hay bão từ, bắt đầu từ ngày hôm nay 4.11.

Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian (SWPC) của Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) - cơ quan chuyên theo dõi hiện tượng phun trào nhật hoa và các sự kiện tương tự - ra tuyên bố cảnh báo bão Mặt trời trung bình cho ngày 4.11.

This browser does not support the video element.

Video của NASA về các vụ phun trào nhật hoa và bão Mặt trời.

Do ảnh hưởng của bão Mặt trời, SWPC đã cảnh báo về những biến động lưới điện tiềm ẩn và sự bất thường trong định hướng vệ tinh. Theo dự đoán, các cơn bão cũng có thể khuếch đại hiện tượng cực quang. Cực quang của Trái đất xảy ra khi các hạt tích điện từ Mặt trời tương tác với tầng trên của bầu khí quyển, tạo nên ánh sáng lấp lánh. Từ trường của Trái đất hướng các hạt này về phía các vùng cực, vì vậy chúng thường có thể nhìn thấy ở các vĩ độ cao phía bắc bán cầu.

Nhưng các hạt bổ sung từ cơn bão Mặt trời có thể khuếch đại cực quang để chúng có thể nhìn thấy từ xa hơn về phía nam, như New York, Idaho, Illinois, Oregon, Maryland và Nevada của Mỹ.

Hoạt động của Mặt trời được điều chỉnh theo chu kỳ 11 năm và hiện tại, Mặt trời đang ở giai đoạn mà các nhà khoa học gọi là "chu kỳ mặt trời 25". Chu kỳ này dự kiến ​​sẽ đạt đỉnh vào năm 2025 và các dự đoán ban đầu cho thấy nó sẽ là một chu kỳ khá vừa phải, giống như chu kỳ tiền nhiệm của nó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn