MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Điện Kremlin

Căng thẳng hạt nhân Nga - Mỹ gia tăng

Thanh Hà LDO | 30/03/2023 08:13

Mỹ ngừng chia sẻ thông tin về kho dự trữ hạt nhân chiến lược của nước này với Nga để đáp lại quyết định của Mátxcơva vào tháng trước tạm dừng việc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START). Trước đó, Nga công bố kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. 

Ngừng chia sẻ thông tin hạt nhân

Mỹ quyết định ngừng chia sẻ thông tin hạt nhân với Nga và thông báo đã được chuyển đến Nga ngày 27.3 - Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chính sách Không gian John Plumb thông tin với tiểu ban Lực lượng Chiến lược của Hạ viện Mỹ ngày 28.3. Động thái này diễn ra sau khi Nga tuyên bố tạm dừng tham gia vào Hiệp ước New START và đặt câu hỏi về sự tham gia của Washington trong hiệp ước năm 2010 này vào thời điểm căng thẳng gia tăng, Politico cho hay. 

Hiệp ước New START, được tái khởi động vào đầu chính quyền Tổng thống Joe Biden, giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai ở mức 1.550 và đặt các giới hạn khác với số lượng bệ phóng và máy bay ném bom có khả năng hạt nhân. Tuy nhiên, sau khi Nga tuyên bố tạm dừng tham gia New START và ngừng chia sẻ thông tin với Mỹ về kho dự trữ của nước này, cho tới nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục tuân thủ hiệp ước.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho hay, việc Nga tạm dừng tham gia hiệp ước là “không hợp lệ về mặt pháp lý”. Ông nói, theo đó "Mỹ cũng sẽ không cung cấp dữ liệu cập nhật 6 tháng một lần cho Nga như một biện pháp đối phó tương xứng để khiến Nga quay trở lại tuân thủ các nghĩa vụ của mình". 

Politico lưu ý, dù tuyên bố tạm dừng tham gia New START, Nga vẫn tiếp tục cung cấp thông tin về kho dự trữ hạt nhân của nước này cho Mỹ theo các hiệp ước kiểm soát vũ khí khác.

Triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật

Cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraina đã sang tháng thứ 13. Ngày 25.3, trên Đài truyền hình nhà nước Russia 1, Tổng thống Vladimir Putin cho hay, Mátxcơva sẽ hoàn tất xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt ở Belarus vào đầu tháng 7. Nga đã chuyển một hệ thống tên lửa tầm ngắn Iskander - vũ khí có thể gắn đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường - cho Belarus. Nga đã giúp Belarus chuyển đổi để 10 máy bay có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật và sẽ bắt đầu đào tạo phi công lái những chiếc máy bay này vào đầu tháng sau.

Ông Putin cũng khẳng định, Nga sẽ duy trì quyền kiểm soát với bất kỳ vũ khí hạt nhân chiến thuật nào mà nước này đặt ở Belarus. Nhà lãnh đạo Nga so sánh động thái này với việc Washington triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu để ngăn các nước được đặt vũ khí, như Đức, không phá vỡ các cam kết làm cường quốc phi hạt nhân. “Chúng tôi sẽ không chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân. Mỹ cũng không giao quyền kiểm soát cho các đồng minh của họ. Về cơ bản, chúng tôi đang làm điều tương tự Mỹ đã làm trong thập kỷ qua” - ông Putin nói.

Theo Al Jazeera, bất kỳ tín hiệu hạt nhân nào từ Nga cũng sẽ gây lo ngại ở phương Tây. Belarus không có vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ từ đầu những năm 1990, sau khi chuyển giao tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt từ thời Liên Xô đặt ở nước này cho Nga.

Ngày 28.3, Belarus có thông báo về việc quyết định đặt vũ khí trên lãnh thổ sau nhiều năm chịu sức ép "chưa từng có" từ phương Tây về chính trị, kinh tế và thông tin. Ngoại trưởng Belarus nêu trong thông cáo: “Trong bối cảnh này, cũng như những lo ngại chính đáng và rủi ro về an ninh quốc gia phát sinh từ sức ép đó, Belarus buộc phải phản ứng bằng cách tăng cường khả năng an ninh và phòng thủ của đất nước". Minsk khẳng định, kế hoạch hạt nhân của Mátxcơva sẽ không vi phạm những thỏa thuận quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân vì Belarus sẽ không kiểm soát vũ khí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn