MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoại trưởng Saudi Arabia Ibrahim al-Assaf phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 26.9. Ảnh: AP

Căng thẳng Mỹ - Iran: Mờ nhạt triển vọng hóa giải

THANH HÀ LDO | 28/09/2019 14:00

Căng thẳng gia tăng ở vùng Vịnh một lần nữa trở lại tâm điểm trong ngày tranh luận thứ 3 tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Mọi nỗ lực sắp xếp cuộc đối thoại của lãnh đạo Mỹ và Iran mà các nước Châu Âu thực hiện dường như cũng không mang lại kết quả.

Gây sức ép tối đa

Phát biểu ngày 26.9, Ngoại trưởng Saudi Arabia Ibrahim al-Assaf một lần nữa đổ lỗi cho Iran về vụ tấn công hôm 14.9 vào các cơ sở dầu mỏ của nước này. “Sức ép tối đa bằng mọi phương thức sẵn có nên được áp đặt để chấm dứt hành vi khủng bố và gây hấn của chính quyền Iran” - Ngoại trưởng Saudi Arabia nói.

Ông cho rằng, việc cắt các nguồn tài chính là phương thức tốt nhất buộc chính quyền Iran phải thay đổi. “Cộng đồng quốc tế cần phải nhận thức rằng việc cắt nguồn tài chính là cách tốt nhất để buộc chính phủ Iran từ bỏ lực lượng dân quân, ngăn chặn nước này phát triển tên lửa đạn đạo và chấm dứt các hoạt động gây bất ổn trong khu vực và thế giới” - ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, Iran kiên quyết phủ nhận cáo buộc đứng sau vụ tấn công ngày 14.9. Tehran khẳng định, chính sách gây sức ép đã thất bại và sẽ triệt tiêu tất cả mọi cơ hội đàm phán thành công. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 26.9, Tổng thống Hassan Rouhani nhấn mạnh, những chiến thuật mà Saudi Arabia đang ủng hộ sẽ chỉ càng khiến khả năng đàm phán xa vời hơn.

Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn nỗ lực nhằm tăng cường an ninh cho đồng minh Saudi Arabia và khu vực. Ông chia sẻ, việc thể hiện sự kiềm chế “cho thấy nhiều sức mạnh” hơn là phát động cuộc tấn công trả đũa vào thời điểm hiện tại. Ngày 26.9, Mỹ triển khai một tổ hợp tên lửa Patriot, 4 hệ thống radar mặt đất tới Saudi Arabia. Động thái này, theo các quan chức là bước đi đầu tiên để giúp vương quốc phòng vệ trước các cuộc tấn công của Iran. Hai tổ hợp Patriot và một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD sẽ được chuẩn bị triển khai tiếp nếu cần thiết. Cùng với các hệ thống phòng không, khoảng 200 binh sĩ Mỹ cũng sẽ được điều tới Saudi Arabia.

EU hành động

Liên minh Châu Âu (EU) đã cảnh báo riêng Iran về việc sẽ buộc phải bắt đầu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng 11 nếu Tehran tiếp tục đe dọa có các bước đi mới vi phạm thỏa thuận. Cảnh báo với Iran được 3 nước EU ký kết thỏa thuận năm 2015 đưa ra tại cuộc họp ngày 25.9. EU cảnh báo, nếu động thái tiếp theo vi phạm thỏa thuận nghiêm trọng, các bên sẽ đưa vấn đề Iran không tuân thủ vào cơ chế giải quyết tranh chấp chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Khi cơ chế giải quyết tranh chấp của thỏa thuận được kích hoạt, hai bên có 30 ngày để chứng minh đối phương không tuân thủ và nếu cần thiết sẽ tiến hành một cuộc trừng phạt trên phạm vi toàn thế giới. Động thái như vậy sẽ là đòn giáng mạnh với EU vốn đã từ chối rút khỏi thỏa thuận theo bước Mỹ, tờ The Guardian nhận định. Chính quyền ông Donald Trump thời gian qua đã tìm cách thuyết phục EU từ bỏ thỏa thuận và tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, cuộc tấn công ngày 14.9 vào nhà máy dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia là một lời cảnh tỉnh cho Châu Âu.

Cho tới hiện tại, Iran tiến hành 3 động thái khác giảm cam kết trong thỏa thuận và cảnh báo tiến hành bước thứ 4, mà theo nhiều nguồn tin là sẽ diễn ra ngày 7.11, trừ khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế.

Trước khi EU đưa ra cảnh báo, ngày 24.9, trong cuộc gặp 3 bên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đồng lòng kêu gọi Tổng thống Iran Hassan Rouhani gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump khi các bên có mặt tại New York dự kỳ họp Đại hội đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn