MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông tin về vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên được công bố trên màn hình ở quảng trường tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 29.7.2017. Ảnh: Getty Images

Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên: Cuộc chơi với thảm họa

NGẠC NHƯ LDO | 11/08/2017 11:04
Giữa Mỹ và Triều Tiên hiện diễn ra cuộc khẩu chiến với mức độ quyết liệt chưa từng thấy. Hai nước này từ trước tới nay đã nhiều lần khẩu chiến với nhau, nhưng chưa lần nào với ngôn từ to tát và nội dung nghiêm trọng như hiện tại.

Tiềm lực thật để thực hiện đe doạ

Ở phía Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump doạ sẽ cho Triều Tiên nến mùi “lửa và thịnh nộ mà thế giới chưa từng thấy bao giờ” nếu Triều Tiên tiếp tục đe doạ an ninh của Mỹ. Triều Tiên đáp trả lại ngay bằng việc công khai chủ ý là đang xem xét tấn công tên lửa vào đảo Guam. Đảo này không phải là một bang của Mỹ nhưng thuộc về Mỹ và có trên đó căn cứ không quân và hải quân quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực phía tây Thái Bình Dương, là cửa ngõ cho Mỹ tiếp cận cả vùng Đông Á.

Cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều không đe doạ suông, tức là cả hai đều có tiềm lực quân sự thực tế để thực hiện sự đe doạ này nếu như họ thật sự làm. Không quân và hải quân Mỹ có thừa đủ khả năng để tấn công quân sự Triều Tiên. Triều Tiên cũng đã chứng tỏ khả năng tên lửa của mình vươn tới Mỹ, tới Guam thì đã từ lâu, còn tới lãnh thổ chính của Mỹ thì vừa rồi đã được thể hiện bằng hai lần phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Như thế có nghĩa là bên này hiện không thể và không dám coi thường thực lực của bên kia, và cho dù giờ mới chỉ là khẩu chiến thôi nhưng chắc chắn cũng đã phải chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp bị tấn công và để phản công trả đũa.

Lần này, hai bên không dàn binh và bày trận như cách đây mấy tháng ở khu vực Đông Bắc Á, nhưng cuộc khẩu chiến đã leo thang tính quyết liệt đến mức độ rất nguy hiểm vì trước nay chưa từng đến thế bao giờ. Và vì càng tiếp tục như thế thì họ càng khó xuống thang căng thẳng để đi vào hoà dịu và đối thoại với nhau. Càng đối địch nhau như thế thì chuyện giữ thể diện lại càng thêm quan trọng và quyết định, nên việc nhượng bộ lẫn nhau càng khó khả thi. Chỉ cần một bên không còn kiểm soát được tình hình thì lập tức sẽ xảy ra thảm hoạ mà thảm hoạ này lại không chỉ là chiến tranh thuần tuý mà rất có thể liên quan cả đến vũ khí hạt nhân.

Răn đe ngược

Cả hai phía đang cùng nhau chơi cuộc chơi với thảm hoạ và đều dùng nguy cơ xảy ra thảm hoạ để răn đe lẫn nhau. Họ phải vậy bởi hoàn toàn ý thức được rằng, nếu xô đẩy nhau đến thảm hoạ thì đều chỉ có thể thua chứ không thể thắng, bởi đấy là kết cục “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”.

Điều khiến Mỹ lo ngại nhất không phải Guam bị tên lửa của Triều Tiên tấn công mà là số phận hàng chục nghìn binh lính Mỹ hiện đang được triển khai trên lãnh thổ của Hàn Quốc và Nhật Bản, là Hàn Quốc và Nhật Bản bị vạ lây trực tiếp, cũng như Trung Quốc bị ảnh hưởng gián tiếp sẽ buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm. Do năm 2013, Triều Tiên đã doạ tấn công tên lửa vào Guam nên phía Mỹ, ở thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã cho triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở trên đảo Guam. Do cuộc khẩu chiến hiện tại mà chắc chắn phía Mỹ đã tổ chức phòng thủ tên lửa thêm cẩn thận và hiệu quả. Vì Triều Tiên biết những điều ấy, nên việc nước này công bố ý định tấn công tên lửa vào Guam trong thực chất chỉ là một chiêu trò tâm lý chiến, chỉ để thể hiện ý chí và khả năng, nhằm đối trả trực tiếp những lời doạ nạt trước đó của ông Donald Trump.

Hai bên dùng thảm hoạ để răn đe lẫn nhau trong khi chính kịch bản thảm hoạ này lại răn đe trở lại họ. Tuy nhiên, qua đấy bộc lộ 2 điều rất nguy hiểm và đáng phải lo ngại ở lần khẩu chiến này. Thứ nhất, những bộc lộ ra bên ngoài ở cả hai phía hiện tại đều cho thấy tình cảm chứ không phải lý trí đang có phần thắng thế. Càng xô đẩy nhau đến gần giới hạn hơn thì nguy cơ vượt quá giới hạn này một cách vô thức càng thêm lớn, và khi ý thức được lại thì đã quá muộn.

Thứ hai, cả Mỹ lẫn Triều Tiên hiện đều không thấy có ý tưởng hay chiến lược nào có thể giúp giải quyết được dứt điểm và ổn thoả vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nói riêng, và chuyện quan hệ song phương giữa họ nói chung. Từ bao năm nay, hai phía cứ như thể định kỳ lặp lại cách thức đối xử với nhau bằng doạ nạt và răn đe, bằng trừng phạt và trả đũa, bằng khẩu chiến và gây áp lực quân sự. Họ đưa ra đề nghị đối thoại thật đấy nhưng đều không thể khả thi, vì luôn đi cùng với những điều kiện tiên quyết mà phía đưa ra thừa hiểu là phe bên kia không thể chấp nhận. Ấy là còn chưa kể đến đối thoại và đàm phán rồi có thành công hay không. Hy vọng sau lần đại khẩu chiến này hai bên đều sẽ khác trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn