MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có cuộc hội đàm 5 giờ với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva ngày 7.2. Ảnh: AFP

Căng thẳng Nga - Ukraina: Những ngày quyết định sắp tới

Thanh Hà LDO | 09/02/2022 11:21

Kể từ khi căng thẳng Nga và Ukraina bắt đầu vào tháng 12.2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là lãnh đạo đầu tiên của phương Tây  gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Mátxcơva, ngày 7.2. Cùng ngày, tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz thể hiện sự đoàn kết trong cách thức phản ứng với Nga trong trường hợp căng thẳng Ukraina gia tăng theo chiều hướng xấu. 

Sự đảm bảo từ Nga

Sau phiên hội đàm kéo dài 5 giờ với Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Emmanuel Macron nói với báo giới, những ngày sắp tới sẽ mang tính "quyết định" để giảm leo thang bế tắc ở Ukraina và "cần có các cuộc thảo luận chuyên sâu mà chúng ta cùng theo đuổi".

Tổng thống Pháp đã đưa ra đề xuất về "những đảm bảo an ninh cụ thể" với ông Putin. "Tổng thống Putin đảm bảo với tôi về sự sẵn sàng của ông ấy trong  tham gia theo phương hướng này và mong muốn duy trì sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Không có an ninh cho người Châu Âu nếu không có an ninh cho Nga" - ông Macron nhấn mạnh. 

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, các đề xuất bao gồm cam kết từ cả hai bên không thực hiện bất kỳ hành động quân sự mới nào, khởi động đối thoại chiến lược mới và nỗ lực phục hồi tiến trình hòa bình trong cuộc xung đột giữa Kiev với phe ly khai ở miền đông Ukraina.

TASS cho hay, trong phần mở đầu cuộc gặp, nhà lãnh đạo Pháp đã nhấn mạnh, đối thoại với Nga là phương tiện chính để đạt được sự ổn định và an ninh ở Châu Âu. "Cuộc đối thoại này cần thiết: Đó là cách duy nhất để đảm bảo an ninh và ổn định ở châu Âu" - ông Macron nói. Thông điệp này tiếp tục được Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh sau hội đàm. "Nga là một quốc gia Châu Âu. Cần phải làm việc với Nga để xây dựng một tương lai ở Châu Âu" - ông nói đồng thời nhấn mạnh, cũng cần phải đối thoại với Nga để giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, tình hình an ninh hiện nay ở Châu Âu là một vấn đề Mátxcơva và Paris cùng quan tâm. "Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại về những gì đang diễn ra trên phương diện an ninh ở Châu Âu", ông nói. Ông Putin cũng chỉ ra rằng, có những tiến bộ đã đạt được trong cuộc gặp giữa ông và ông Macron ở Mátxcơva.

AFP cho hay, Tổng thống Vladimir Putin nói với người đồng cấp Pháp, Nga sẽ "làm mọi thứ để tìm ra những thỏa hiệp phù hợp với tất cả mọi người". Theo nhà lãnh đạo Nga, một số đề xuất của ông Macron trong cuộc hội đàm "có thể tạo cơ sở cho các bước đi chung tiếp theo", nhưng ông cũng lưu ý "có lẽ vẫn còn quá sớm để nói về" những bước đi chung này để tiến tới giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina. Ông Putin không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào nhưng cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi lại một lần nữa qua điện thoại sau khi nhà lãnh đạo Pháp đến Kiev gặp Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ngày 8.2.

Cảnh báo về Nord Stream 2 

Ngày 7.2, tại Washington, sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Joe Biden đe dọa đóng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, nếu Nga đưa lực lượng qua biên giới Ukraina. Ông Biden không nêu cụ thể cách chấm dứt đường ống được thiết kế để tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang Đức nhưng nhấn mạnh: "Tôi hứa với các bạn là chúng tôi sẽ làm được".

AFP nhận định, tuyên bố của ông Biden là thẳng thừng nhất cho đến nay về số phận của đường ống khí đốt dài 1.225km đã mất 5 năm để xây dựng và tiêu tốn 11 tỉ USD nhưng vẫn chưa bắt đầu hoạt động. 

Trong chuyến công du đầu tiên tới Washington kể từ khi trở thành thủ tướng Đức, ông Olaf Scholz chia sẻ với báo giới, điều quan trọng là "Nga phải hiểu nhiều điều có thể xảy ra hơn những gì họ có thể tự tính toán", theo hãng tin AP. Ông Scholz lưu ý, Đức và Mỹ "thống nhất tuyệt đối" về các lệnh trừng phạt với Nga trong trường hợp nước này tấn công Ukraina. Ông nhấn mạnh, Đức và Mỹ sẽ thực hiện các bước trừng phạt giống nhau và các biện pháp trừng phạt "sẽ rất rất cứng rắn với Nga". 

Liên quan tới căng thẳng Nga -Ukraina, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ sự ủng hộ với các biện pháp trừng phạt. Trong bài viết trên tờ The Times ngày 8.2, thủ tướng Anh cho biết nước này đang xem xét triển khai các máy bay chiến đấu của Lực lượng Không quân Hoàng gia (RAF) và tàu chiến của Hải quân Hoàng gia đến khu vực.

Trước đó một ngày, Người phát ngôn của Thủ tướng Anh nói với báo giới, London sẵn sàng hợp tác với Mátxcơva và đảm bảo NATO không gây ra mối đe dọa nào đối với Nga. "Nga đã bày tỏ lo ngại về khả năng gây hấn của NATO, nhưng chúng tôi làm rõ rằng những lo ngại đó về cơ bản là không có cơ sở vì NATO là liên minh trọng tâm phòng thủ. Nhưng chúng tôi muốn làm việc với Nga để mang lại sự trấn an ngoại giao trên mặt trận đó" - Reuters dẫn lời người phát ngôn Thủ tướng Anh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn