MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng cứu hộ sơ tán những người bị mắc kẹt khỏi một con phố ngập lụt vào ngày 25.7 ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, sau khi bão In-fa đổ bộ với mưa lớn và gió mạnh. Ảnh: Xinhua

Cảnh báo đáng ngại về bão ở Việt Nam và Châu Á trong thời gian tới

Song Minh LDO | 30/11/2021 18:55
Các cơn bão ở Châu Á có thể gây thiệt hại khủng khiếp gấp nhiều lần trong thời gian tới, theo nghiên cứu mới.

Dự báo bão ngày càng mạnh hơn

Nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Sáng tạo Khí tượng Thâm Quyến và Đại học Hong Kong vừa được đăng tải trên tạp chí Frontiers in Earth Science (Biên giới về Khoa học Trái đất). Nghiên cứu mới nhất cho thấy các cơn bão ở Châu Á có thể có sức tàn phá gấp đôi vào cuối thế kỷ này, vì cuộc khủng hoảng khí hậu do con người tạo ra đang khiến chúng trở nên mạnh hơn.

Dựa vào các dữ liệu thu thập gần 4 thập kỷ từ năm 1979 - 2016, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng sức tàn phá của bão đã tăng lên đáng kể với khả năng kéo dài hơn và đổ bộ ngày càng sâu hơn vào đất liền.

Theo nghiên cứu, các cơn bão ở Châu Á hiện đã kéo thời gian hoạt động lên từ 2 đến 9 tiếng, đồng thời có khả năng di chuyển sâu hơn 100km vào đất liền so với 4 thập kỷ trước. Sau khi xem xét các cơn bão ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu nhận thấy Việt Nam và khu vực miền nam Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khoảng thời gian từ năm 1979 đến năm 2016.

Ngày 30.11.2021, một số nơi trên địa bàn thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên ngập chìm trong nước. Ảnh: Phương Uyên

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng vào cuối thế kỷ này, tốc độ gió đổ bộ trung bình trên các khu vực đất liền Châu Á có thể tăng thêm 8km/h. Trong khi đó, chỉ cần một sự gia tăng nhỏ tốc độ gió tối đa của bão sẽ dẫn đến mức độ tàn phá tăng lên rất nhiều lần. 

Nghiên cứu cho thấy một cơn bão trung bình sẽ tồn tại lâu hơn khoảng 5 giờ và sẽ di chuyển xa hơn vào đất liền 92km, tăng gần gấp đôi sức tàn phá của chúng.

Bão là một trong những loại thiên tai nguy hiểm nhất do chúng kéo theo mưa lũ, gió giật và triều cường. Trong 50 năm qua, những cơn bão này đã gây ra hậu quả nặng nề với 780.000 người thiệt mạng cùng thiệt hại kinh tế giá trị lên đến 1,4 tỉ USD trên toàn cầu.

Vào tháng 6 năm nay, bão In-fa và bão Cempaka mang đến lượng mưa cực lớn - lên đến hơn 150mm mỗi giờ -  ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, phá vỡ kỷ lục ở thành phố Trịnh Châu. Các quan chức cho biết hơn 300 người đã thiệt mạng trong trận lũ lụt tàn phá miền Trung Trung Quốc.

Và vào tháng 9.2021, tàn tích của cơn bão Ida đã gây ra mưa xối xả và lũ quét ở New York, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Chi-Yung Tam thuộc Đại học Hong Kong, Trung Quốc cho biết, cả hai thảm họa đều gây ra thiệt hại lớn về kinh tế và con người. Tam cùng các đồng nghiệp đang không ngừng nỗ lực kêu gọi xã hội góp sức nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, dẫn đến tình trạng trái đất nóng lên, đồng thời cũng kêu gọi chính phủ các nước Châu Á có các biện pháp tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai. 

Người dân băng qua đường trong mưa gió ở Ninh Ba ngày 25.7.2021 khi cơn bão In-fa tấn công bờ biển phía đông Trung Quốc. Ảnh: AFP

Nguyên nhân bão trở nên nguy hiểm hơn

Một số nghiên cứu cho rằng việc trái đất nóng lên là nhân tố chính dẫn đến những cơn bão trở nên nguy hiểm hơn. 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin ở Madison và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã xem xét dữ liệu vệ tinh về các cơn bão toàn cầu trong gần 40 năm. Nghiên cứu được công bố năm ngoái cho thấy hiện tượng ấm lên toàn cầu đã làm tăng nhiệt độ bề mặt nước biển ở những khu vực hình thành bão. Sự kết hợp của nhiệt độ nóng lên này, cùng với những thay đổi trong điều kiện khí quyển, khiến các cơn bão dễ dàng trở nên mạnh hơn.

Nếu một cơn bão mạnh lên khi đổ bộ, nó sẽ đi sâu hơn vào đất liền và tăng sức hủy diệt của nó lên nhiều lần.

Trong khi sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra có khả năng khiến bão nghiêm trọng hơn, thì các chu kỳ và sự kiện thời tiết tự nhiên cũng có thể tăng cường - hoặc làm suy yếu - cường độ và tần suất của các cơn bão.

Tam cho biết các mô hình số dự đoán rằng cuộc khủng hoảng khí hậu "có thể sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng các cơn bão đổ bộ vào đất liền và tác động của chúng đối với các khu vực đất liền".

Ông nói: “Nhiều khu vực đất liền ở Châu Á có thể phải hứng chịu những thảm họa nghiêm trọng hơn liên quan đến bão trong tương lai do hậu quả của biến đổi khí hậu”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn