MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh đang trải qua cuộc khủng hoảng xăng. Ảnh: AFP

Cảnh báo đáng ngại về cuộc khủng hoảng toàn cầu tiếp theo

Khánh Minh LDO | 03/10/2021 09:19
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu có thể sớm đẩy giá dầu lên 100 USD và thúc đẩy một cuộc khủng hoảng kinh tế khác.

Ngân hàng Mỹ (Bank of America) cảnh báo, giá dầu dự kiến ​​sẽ chạm mốc 100 USD/thùng vào đầu mùa đông năm nay do giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, cùng với mùa thời tiết lạnh giá đang đến gần, thậm chí có thể gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo.

Bloomberg dẫn lời giới phân tích nhận định, khả năng giá dầu tăng cao và áp lực lạm phát cao có thể trở thành tác nhân gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Theo Ngân hàng Mỹ, việc chuyển đổi từ khí sang dầu với giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục có thể khiến nhu cầu dầu tăng thêm. Hơn nữa, nhu cầu năng lượng dự kiến ​​sẽ tăng do mùa đông lạnh hơn bình thường, đẩy giá cả lên cao hơn. Đồng thời, việc mở lại hoạt động của các hãng hàng không quốc tế cũng được cho là sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhiên liệu máy bay.

“Nếu tất cả những yếu tố này kết hợp với nhau, giá dầu có thể tăng vọt và dẫn đến đợt áp lực lạm phát thứ hai trên toàn thế giới. Nói cách khác, chúng ta có thể chỉ cách cơn bão vĩ mô tiếp theo một cơn bão” - các nhà phân tích dẫn lời Ngân hàng Mỹ cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Bank of America, việc không đầu tư vào hàng hóa do lợi nhuận kém cũng có thể khiến giá dầu tăng cao hơn trong dài hạn.

Khi kinh tế toàn cầu ngừng hoạt động do đại dịch, sản xuất năng lượng đã giảm đáng kể do các ngành công nghiệp đóng cửa, người dân ở nhà và nhu cầu về điện cùng nhiên liệu giảm mạnh. Giờ đây, khi thế giới quay trở lại làm việc và trở lại "trạng thái bình thường mới", nhu cầu năng lượng quay trở lại nhưng nguồn cung cấp năng lượng lại gặp khó. Trong bối cảnh đó, Châu Âu phải chuyển sang Nga để mua thêm than.

Chỉ số khí đốt tự nhiên hàng đầu của Châu Âu - Dutch Title Transfer Facility - báo cáo rằng giá điện đã tăng vọt từ 16 euro/megawatt-giờ vào đầu năm nay lên 75 euro vào giữa tháng 9, tăng hơn 360%. Các quan chức Italia cảnh báo công dân dự kiến ​​sẽ tăng 40% hóa đơn điện trong những tuần và tháng tới. Tây Ban Nha đã đồng ý trợ cấp 100 euro cho hơn 5,8 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp và gửi thư đề nghị Liên minh Châu Âu (EU) có hành động sâu rộng.

Trong khi đó, gần một nửa lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu ở EU đến từ Nga, khiến Châu Âu phụ thuộc nhiều vào Mátxcơva về an ninh năng lượng. Sự phụ thuộc này là một phần lớn nguyên nhân khiến Châu Âu hiện đang bước vào cuộc khủng hoảng năng lượng, vì nhu cầu về khí đốt tự nhiên tăng cao và Nga không tăng xuất khẩu sang EU.

Có nhiều đồn đoán rằng đây là một quyết định chiến lược của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin nhằm thúc đẩy việc mở đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2).

Đường ống dài 1.230km, chạy dưới biển Baltic để kết nối Nga và Đức, đã hoàn thành nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động.

Theo Euronews, dự án đã bị chỉ trích vì "kéo dài sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch và mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Tổng thống Putin". Và giờ đây, sự phụ thuộc của Châu Âu vào Nga đang được giải tỏa do tình trạng suy giảm năng lượng hiện tại, đồng thời có thể khiến đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 trở nên hấp dẫn hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn