MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện tượng băng tan đang tăng tốc đáng báo động trên toàn cầu. Ảnh: AFP

Cảnh báo hậu quả tàn khốc khi biến đổi khí hậu tăng tốc, sông băng mất dần

Phương Linh LDO | 29/04/2021 14:33

Nghiên cứu mới cảnh báo, gần như tất cả các sông băng trên thế giới đang mất dần khối lượng với tốc độ tăng nhanh chưa từng thấy.

Theo AFP, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu quốc tế lần đầu tiên quan sát toàn bộ khoảng 220.000 sông băng trên Trái đất - không bao gồm các tảng băng ở Greenland và Nam Cực - để đánh giá chính xác khối lượng và tốc độ tan chảy trong 2 thập kỷ qua.

Phân tích hình ảnh do vệ tinh Terra của NASA chụp lại, các nhà khoa học phát hiện từ năm 2000 - 2019, các sông băng trên thế giới mất đi trung bình 267 tỉ tấn băng mỗi năm.

Đó là lượng nước đủ để nhấn chìm Thụy Sĩ dưới 6 mét nước mỗi năm.

Đáng báo động hơn, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện tốc độ băng tan tăng lên nhanh chóng theo thời gian.

Từ năm 2000 đến năm 2004, các sông băng mất 227 tỉ tấn băng mỗi năm. Nhưng từ năm 2015 đến năm 2019, sông băng mất trung bình 298 tỉ tấn mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu cho biết, thực trạng tan băng đã góp tới 21% mực nước biển dâng trong giai đoạn nghiên cứu - tương đương với 0,74 mm một năm.

Nghiên cứu cho thấy các sông băng tan nhanh nhất ở Alaska và dãy Alps.

Các tác giả cũng bày tỏ lo ngại về các sông băng trên núi đang bị thu hẹp ở dãy núi Pamir, Hindu Kush và dãy Himalaya - nơi cung cấp nước cho hơn 1,5 tỉ người.

Romain Hugonnet - tác giả chính và là nhà nghiên cứu tại Đại học ETH Zurich và Đại học Toulouse - cho biết: “Trong suốt mùa khô, băng tan là nguồn cấp nước quan trọng cho các tuyến sông chính như sông Hằng, sông Brahmaputra và sông Indus''.

"Hiện tại, việc gia tăng tình trạng tan băng này đóng vai trò như một vùng đệm cho những người sống trong khu vực, nhưng nếu sông băng ở Himalaya vẫn tiếp tục thu hẹp hơn nữa, các quốc gia đông dân như Ấn Độ và Bangladesh có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nước hoặc thiếu lương thực trong vài thập kỷ" - ông cảnh báo.

Các tác giả cũng tìm thấy những khu vực mà tốc độ tan băng thực sự chậm lại từ năm 2000 đến năm 2019, ví dụ như bờ biển phía đông của Greenland hay ở Iceland và Scandinavia.

Họ cho rằng điều này là do thời tiết ở Bắc Đại Tây Dương khiến cho lượng mưa tăng lên và nhiệt độ thấp hơn trong khu vực, do đó làm chậm quá trình tan băng.

Các phát hiện sẽ được đưa vào báo cáo đánh giá sắp tới của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn