MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cơ sở dự trữ khí đốt ở Hamburg, Đức. Ảnh: Shutterstock

Cảnh báo lặp lại khủng hoảng khí đốt EU

Ngọc Vân LDO | 18/02/2024 08:20

Nguồn cung khí đốt của EU an toàn và ổn định, nhưng thời tiết lạnh giá và căng thẳng địa chính trị đe dọa lặp lại cuộc khủng hoảng khí đốt.

Trang World Pipelines dẫn lời nhà kinh tế Konstantinos Panitsas tại tổ chức nghiên cứu The Conference Board Europe cho biết, với mức dự trữ khí đốt đã đầy hơn 70% trên khắp châu Âu, nguồn cung cấp năng lượng của khu vực một lần nữa “an toàn và ổn định”.

Ông nói, cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu trải qua sau cuộc chiến ở Ukraina đã kết thúc. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của châu Âu vào nhập khẩu khiến khu vực này có nguy cơ bị gián đoạn địa chính trị trong tương lai, nhất là trong bối cảnh Houthi tiến hành các cuộc tấn vào các tàu chở dầu ở Biển Đỏ trong thời gian gần đây.

Châu Âu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm tinh chế (đặc biệt là dầu diesel) để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Châu Âu chủ yếu dựa vào khí đốt Nga cho đến khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2 năm 2022. Các biện pháp trừng phạt Nga buộc châu Âu buộc phải đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng.

Panitsas giải thích: “Nhờ kết hợp các chiến lược đa dạng hóa nguồn cung - ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và giảm thiểu sự gián đoạn hơn nữa trong tương lai - cộng với nhu cầu suy giảm đã giúp châu Âu đã kiềm chế được giá khí đốt”.

Khí đốt tự nhiên là nguồn tài nguyên bị ảnh hưởng nhiều nhất nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong cả lĩnh vực dân dụng và công nghiệp. Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đạt đỉnh vào tháng 8 năm 2022 với mức cao kỷ lục 236 euro/MWh.

Tuy nhiên, đến tháng 1 năm 2024, mức giá trung bình chỉ còn 30 euro/MWh, gần bằng mức giá trung bình 18 euro/MWh trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2019.

Một đơn vị tái hóa khí lưu trữ nổi tại trạm LNG Wilhelmshaven ở tây bắc Đức. Ảnh chụp màn hình

EU đã đa dạng hóa nguồn cung thành công, bao gồm tăng nhập khẩu khí đốt qua đường ống dẫn khí của Na Uy.

Tuy nhiên, nhà phân tích Ravindra Puranik của GlobalData cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng năng lượng có thể lặp lại: “Vẫn có khả năng cuộc khủng hoảng tái diễn vào năm 2024 nếu mùa đông trở nên khắc nghiệt và các nhà cung cấp của châu Âu bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị hoặc các vấn đề khác”.

Sự cân bằng mong manh giữa cung và cầu có thể bị phá vỡ do thời tiết lạnh bất ngờ (tạo ra nhu cầu tăng đột biến) hoặc do nguồn cung sẵn có giảm đột ngột vì căng thẳng địa chính trị ở các khu vực cung ứng.

Puranik nói: “An ninh năng lượng của châu Âu phụ thuộc vào các thị trường nhập khẩu, trong khi không chắc thị trường nào có thể là đối tác cung cấp đáng tin cậy”.

Sự gián đoạn gần đây đối với các tuyến vận chuyển do các cuộc tấn công của Houthi đã chứng minh tác động tiềm tàng của những lo ngại này, khiến khối lượng dầu thô từ Trung Đông đến châu Âu giảm.

Số lượng thùng dầu hàng ngày đến khu vực này gần như giảm một nửa từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023. Dữ liệu của Kpler cho thấy 1,07 triệu thùng/ngày trong tháng 10 đã giảm xuống còn 570.000 thùng/ngày vào tháng 12.

Panitsas cho biết, cuộc chiến ở Trung Đông là một mối đe dọa thực sự cần được theo dõi chặt chẽ vì xung đột có thể leo thang và dẫn đến sự gián đoạn mới - không chỉ với khí đốt - mà lần này là dầu mỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn