MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cánh đồng hoa hướng dương cạnh thảm họa rò rỉ chất thải phóng xạ tại Nhật Bản. Ảnh: IFL Science

Cánh đồng hoa hướng dương nở rộ cạnh “hiện trường” thảm họa hạt nhân

Ngọc Anh (theo IFL Science) LDO | 31/07/2021 13:30
Cánh đồng hoa hướng dương vàng rực rỡ được người Nhật tự tay trồng để hấp thụ các dư chất phóng xạ còn sót lại từ thảm họa nổ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma ngày 11.3.2011.

Vào mười năm trước, một trận động đất thảm khốc 9,0 độ Richter cùng cơn sóng thần dữ dội đã tấn công tỉnh Miyagi và Fukushima tại Nhật Bản, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Tai họa tiếp tục ập đến khi hàng loạt vụ nổ đã xảy ra tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi ở Ōkuma, gây rò rỉ chất thải phóng xạ độc hại ra môi trường xung quanh.

Đến tận ngày nay, đất nước Nhật Bản vẫn đang cố gắng tìm cách giải quyết hậu quả từ hàng triệu tấn nước nhiễm phóng xạ và hàng trăm ngàn tấn chất thải phóng xạ thể rắn. Tuy nhiên, nổi bật trên tất cả các giải pháp công nghệ cao là một chương trình dọn dẹp đầy ấn tượng: cánh đồng hoa hướng dương.

Ảnh: IFL Science

“Chúng tôi trồng hoa hướng dương, bông cải, rau dền và hoa mào gà đỏ vì tất cả các loài cây này được cho là có thể hấp thụ phóng xạ”, Koyu Abe, sư trụ trì ngôi chùa Joenji gần đó chia sẻ với Reuters vài tháng sau thảm họa. “Cho đến nay, chúng tôi đã trồng được ít nhất 200.000 bông hoa. Ít nhất 8 triệu bông hoa hướng dương nở rộ ở Fukushima đều có nguồn gốc từ đây”.

Tại sao lại là hoa hướng dương?

Hoa hướng dương có rất nhiều đặc tính lý tưởng cho công việc dọn dẹp dư chất phóng xạ hạt nhân: chúng phát triển nhanh chóng, dễ dàng và có thể sinh sôi ở bất cứ đâu. Thậm chí, hoa hướng dương còn lưu trữ hầu hết sinh khối trong lá và thân cây, do đó chất phóng xạ mà cây hấp thụ có thể được xử lý mà không cần phải đào rễ lên.

Hoa hướng dương có tác dụng tuyệt vời trong việc làm sạch chất thải phóng xạ trong môi trường - đó là lý do tại sao chúng từng được trồng trên các cánh đồng sau thảm họa Chernobyl năm 1986. Thật không may, ở Fukushima, việc sử dụng thực vật để loại bỏ chất độc từ môi trường lại không thành công. Đơn giản là do có quá nhiều khác biệt giữa Fukushima và Chernobyl để các thí nghiệm mang lại cùng một kết quả.

Michael Blaylock, một nhà khoa học nghiên cứu về đất giải thích: “Chúng tôi đến Chernobyl vài năm sau thảm họa. Vì vậy, cesium đã có nhiều thời gian để cố định trong đất, đồng thời, nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào các loại đất trồng. Các loại đất có hàm lượng mica cao như đất sét sẽ rất khó loại bỏ cesium một khi cesium đã được cố định”.

Tuy rằng những bông hoa hướng dương không thể cứu Fukushima khỏi thảm họa phóng xạ, nhưng chúng vẫn giúp phục hồi vùng đất bằng những cách khác.

“Chúng tôi rất bận rộn, hàng trăm người dân địa phương đến thu hái hoa mỗi ngày”, Tomoe - một người dân địa phương chia sẻ với Reuters. “Nó giúp chúng tôi quên đi những mất mát từ thảm họa năm đó”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn