MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh sát Pháp biểu tình với một biểu ngữ có dòng chữ "Không cảnh sát, không hòa bình" trên đại lộ Champs-Elysee hôm 12.6 tại Paris. Ảnh: AFP.

Cảnh sát Pháp biểu tình sau khi chính phủ cấm dùng đòn kẹp cổ nghi phạm

Lê Thanh Hà LDO | 12/06/2020 20:02

Cảnh sát Pháp đã biểu tình hôm 12.6 qua trung tâm Paris để phản đối lệnh cấm sử dụng đòn kẹp cổ và giới hạn những việc được thực hiện trong khi bắt giữ nghi phạm.

Cuộc biểu tình của cảnh sát Pháp đã diễn ra giữa những tiếng còi xe, rợp cờ và biểu ngữ dưới trời mưa trên đại lộ Champs-Elysees. Theo US News, nhiều cảnh sát còn đặt còng tay xuống đất bên ngoài một số trụ sở làm việc.

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình tại nhiều nơi trên thế giới đang nổ ra sau cái chết của George Floyd - người đàn ông da màu bị cảnh sát Mỹ chẹt gối lên cổ, chính phủ Pháp đã ban bố lệnh cấm trên như một phần trong nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng bạo lực quá mức và phân biệt sắc tộc.

Bên cạnh đó, Pháp sẽ "không khoan nhượng" với những hành vi phân biệt sắc tộc trong thực thi pháp luật. Bất cứ sĩ quan nào vi phạm sẽ bị đình chỉ ngay lập tức.

"Đã có những cảnh sát thể hiện phân biệt sắc tộc và kì thị người da màu. Chỉ lên án là chưa đủ, chúng ta phải chiến đấu và loại bỏ điều đó", Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castane nhấn mạnh.

Hôm 8.6 sau khi phương thức kẹp cổ khi bắt giữ nghi phạm được tuyên bố sẽ tại nước này sẽ bị xóa bỏ, các công đoàn cảnh sát đã gặp bộ trưởng Castaner hôm 11 và 12.6 để thảo luận về những thay đổi trong chiến thuật thực thi công vụ.

 Cảnh sát Pháp biểu tình hôm 12.6 sau quyết định cấm kẹp cổ nghi phạm. Ảnh: AFP.

Các kỹ thuật khống chế khiến nghi phạm bất động như kẹp cổ ngày càng nhận nhiều chỉ trích sau cái chết của Floyd. Tuy nhiên, cảnh sát Pháp cho rằng những hạn chế mới này đang đi quá xa.

"Tôi không chắc là bộ trưởng đã đánh giá đầy đủ ảnh hưởng của lệnh cấm này. Bạn không thể yêu cầu nghi phạm chỉ đứng yên để bị bắt giữ. Có những khi cảnh sát phải đối phó với những người cư xử cực kì điên rồ", Jean-Paul Megret, đại diện liên minh cảnh sát nói.

Cái chết của George Floyd đã khiến người dân Pháp liên hệ tới Adama Traoré - người da màu 24 tuổi chết năm 2016 trong khi bị cảnh sát giam giữ, đồng thời làm bùng nổ tranh cãi về sự phân biệt sắc tộc và sử dụng bạo lực quá mức của cảnh sát.

Trong bối cảnh các buộc biểu tình sắc tộc đang lan rộng tại nhiều nơi trên thế giới, cuối tuần trước, khoảng 23.000 người đã biểu tình ở một số thành phố của Pháp để đòi công lý cho các nạn nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn