MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nathan Copeland (trong ảnh) có các điện cực trong vỏ não vận động và cảm giác, cho phép anh ta điều khiển một cánh tay robot và cảm nhận những gì bàn tay kim loại này đang chạm vào. Ảnh: UPMC/Pitt Health Sciences/AFP

Cánh tay robot có xúc giác - bước đột phá cho người khuyết tật

Nguyễn Hạnh LDO | 27/05/2021 15:02

Một người đàn ông bị liệt ở Mỹ đã trở thành người đầu tiên được cấy các điện cực vào vỏ não cảm giác, cho phép anh cảm nhận được cánh tay robot của mình khi nó điều khiển đồ vật.

Theo Daily Mail, anh Nathan Copeland, 23 tuổi, bị liệt sau vụ tai nạn xe hơi vào năm 2016, đã được các nhà kỹ thuật sinh học đề nghị cấy ghép các điện cực vào vỏ não vận động và cảm giác để cung cấp cho anh một số khả năng di chuyển đồ vật thông qua cánh tay robot.

This browser does not support the video element.

Thử nghiệm cánh tay robot khi có sự kích thích cảm giác (trái) và không có sự kích thích cảm giác. Video: University of Pittburgh Medical Center

David Putrino - trưởng khoa đổi mới phục hồi chức năng tại Trường Y Icahn Mount Sinai - nói với Health Day: "Phần cảm nhận của những gì chúng ta làm với tư cách là con người thực sự quan trọng. Nếu không hiểu bàn tay của bạn đang ở đâu trong không gian, có thể rất khó để biết bạn đang nắm vật gì đó quá chặt hay quá lỏng lẻo. Đó là khả năng của cơ thể con người, nhưng đối với một người máy, đó là một trở ngại lớn".

Thông tin đầu vào của giác quan rất quan trọng đối với các thao tác cơ bản như cầm cốc cà phê hoặc điện thoại. Nếu không có nó, rất khó để biết bạn đang nắm chặt vật gì đó hay bạn đã nắm trượt. Ảnh: University of Pittsburgh Medical Center

Copeland cho biết: "Trước đây, khi không có sự kích thích cảm giác, tôi sẽ phải nhìn để biết bàn tay robot của mình đã chạm vào vật thể hay chưa, tôi sẽ chỉ có thể cầm nó lên một cách vụng về, thỉnh thoảng nó sẽ rơi xuống. Đặc biệt, tôi mất nhiều thời gian để đảm bảo rằng tôi thực sự đã nắm giữ được vật thể trước khi bắt đầu chuyển nó đi".

Giờ đây, các nhà kỹ thuật sinh học đang kích thích vỏ não cảm giác của Copeland, cho phép hệ thống cung cấp thông tin cho anh về cảm giác của bàn tay robot. Khi cầm một đồ vật lên, việc dựa vào tín hiệu xúc giác sẽ đảm bảo rằng đồ vật đã được nắm chắc.

Theo Jennifer Collinger - kỹ sư thuộc Khoa Y học Vật lý và Phục hồi chức năng của Đại học Pittsburgh, Mỹ: "Phản hồi cảm giác từ bàn tay là cực kỳ quan trọng để thực hiện những hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày, khi thiếu phản hồi đó, hiệu suất của con người sẽ bị suy giảm".

Trong một loạt bài kiểm tra, Nathan Copeland được giao nhiệm vụ nhặt các hình khối rồi đặt chúng lên một chiếc hộp. Ảnh: UPMC/Pitt Health Sciences/ AFP

Các kỹ sư cho biết, Copeland có thể khéo léo hướng cánh tay robot đến mục tiêu nhanh hơn đáng kể với phản hồi giác quan. Trung bình, anh đã giảm một nửa thời gian thực hiện nhiệm vụ, từ khoảng 20 giây xuống còn 10 giây.

Copeland nói rằng, sự tổng hợp của chuyển động và cảm giác diễn ra khá trơn tru. Anh cảm thấy như thể đang di chuyển cánh tay của mình.

Nhóm nghiên cứu thừa nhận vẫn còn một chặng đường dài trước khi công nghệ của họ được triển khai như một trợ giúp thiết thực cho người khuyết tật.

"Đây là bước đầu tiên trong công nghệ xâm lấn. Nó đòi hỏi phải phẫu thuật mở não và cấy các điện cực có tuổi thọ hạn chế vào mô não" - Putrino nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn