MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cạnh tranh quyết liệt, Nga tiếp tục giảm giá dầu hơn nữa cho Ấn Độ

Ngọc Vân LDO | 12/09/2022 15:42
Nga cho biết sẵn sàng bán dầu với mức giá thậm chí thấp hơn trước đây cho Ấn Độ.

Các khoản giảm giá dự kiến ​​sẽ đáng kể và thấp hơn so với mức giảm giá mà Iraq đưa ra trong những tháng gần đây - tờ Business Standard đưa tin.

Trong nỗ lực chống lại kế hoạch của G7 áp giá trần với dầu của Nga, Mátxcơva tuyên bố sẵn sàng cung cấp dầu với mức giá thậm chí thấp hơn trước đây cho New Delhi.

“Về nguyên tắc, yêu cầu đổi lại là Ấn Độ không ủng hộ đề xuất áp giá trần của G7. Quyết định về vấn đề này sẽ được đưa ra sau các cuộc đàm phán với tất cả các đối tác” - một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay.

Theo giới chức New Delhi, "mức chiết khấu đáng kể" sẽ cao hơn so với mức giảm giá mà Iraq đưa ra trong hai tháng qua.

Trong tháng 5, giá dầu thô của Nga bán cho Ấn Độ rẻ hơn 16 USD/thùng so với giá nhập khẩu trung bình của New Delhi là 110 USD/thùng. Mức chiết khấu giảm xuống còn 14 USD/thùng vào tháng 6, khi giá nhập khẩu trung bình của Ấn Độ là 116 USD/thùng. Tính đến tháng 8, giá dầu thô của Nga thấp hơn 6 USD so với giá trung bình.

Mỏ dầu gần Almetyevsk, Tatarstan, Nga, năm 2020. Ảnh: Getty

Nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ là Iraq cũng hạ giá mạnh so bắt đầu từ cuối tháng 6, cung cấp một loạt dầu thô có giá trung bình thấp hơn 9 USD/thùng so với dầu của Nga. Do đó, thị trường cực kỳ nhạy cảm với giá cả đã chuyển dịch ngược trở lại có lợi cho Iraq.

Kết quả là, Nga trượt xuống vị trí thứ ba trong danh sách các quốc gia xuất khẩu dầu cho Ấn Độ, đáp ứng 18,2% nhu cầu dầu của cả nước. Saudi Arabia (20,8%) và Iraq (20,6%) là hai nhà cung cấp hàng đầu.

Ngay cả khi không có tranh luận về giá, các quan chức vẫn cho rằng nguồn cung dầu thô ổn định nên được thiết lập bên ngoài khu vực Tây Á. Một quan chức cho biết: “Mặc dù nhập khẩu dầu từ Iraq vẫn là nguồn mua chính, nhưng trong bối cảnh phức tạp toàn cầu và tình hình nội bộ đầy biến động của Iraq, Ấn Độ cần tạo ra các cơ chế thay thế”.

Các quốc gia G7, cụ thể là Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ, cùng với Liên minh Châu Âu đang lên kế hoạch áp đặt giá trần với dầu của Nga.

Các đồng minh phương Tây hy vọng sẽ siết chặt nguồn thu của Mátxcơva - vốn tiếp tục được hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao - để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraina.

Truyền thông cho rằng kế hoạch giá trần sẽ được thực hiện cùng lúc với lệnh cấm vận dầu Nga của EU có hiệu lực. Sẽ có hai mức giá trần - một đối với sản phẩm dầu thô và một đối với sản phẩm dầu tinh chế. Giá trần dầu thô sẽ được áp dụng từ ngày 5.122022; và giá trần với các sản phẩm dầu tinh chế dự kiến được áp dụng từ ngày 5.2.2023.

Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu lớn thứ hai trên toàn cầu - đã nhiều lần được yêu cầu tham gia kế hoạch giá trần này. Một quan chức Ấn Độ cho hay, bất kỳ sự thay đổi nhân tạo nào đối với cơ chế giá toàn cầu đã được thiết lập có thể gây ra những hậu quả không mong muốn sau này. Ấn Độ sẽ tiếp tục cân nhắc các lựa chọn của mình.

Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, tỉ trọng dầu thô của Nga chiếm chưa đến 1% khối lượng nhập khẩu của Ấn Độ. Con số này đã tăng lên 8% vào tháng 4, 14% vào tháng 5 và 18% vào tháng 6 - theo dữ liệu chính thức của Bộ Thương mại Ấn Độ.

Kể từ tháng 7, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Nga đã giảm. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô nói chung cũng đã giảm.

Vào tháng 8, Ấn Độ nhập khẩu 738.024 thùng/ngày từ Nga, thấp hơn 18% so với tháng 7, theo ước tính của nhà cung cấp phân tích dữ liệu hàng hóa Vortexa có trụ sở tại London.

Các quan chức nói rằng cho đến khi Nga tiếp tục cạnh tranh với các nhà sản xuất lớn khác trong việc giảm giá, Ấn Độ sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn hàng từ nước này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn