MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo các nước thành viên BRICS tại hội nghị cấp cao thường niên ở Nam Phi. Ảnh: AP

Cấp cao BRICS ở Nam Phi: Chậm nữa sẽ lỡ thời

NGẠC NGƯ LDO | 31/07/2018 10:28
Tại Nam Phi trong tuần qua diễn ra hội nghị cấp cao thường niên của nhóm BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Sau năm 2013, năm nay là lần thứ 2, sự kiện lớn nhất thường niên của nhóm được tổ chức ở Nam Phi, nhưng là lần đầu với tân tổng thống nước này Cyril Ramaphosa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng lãnh đạo 3 nước thành viên còn lại là Vladimir Putin của Nga, Narendra Modi của Ấn Độ và Michel Termer của Brazil đều tham dự.

Bối cảnh tình hình chung hiện tại trên thế giới có nhiều nét đặc biệt hơn so với thời gian trước đó. Quan điểm chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trở nên thách thức lớn đối với vai trò và ảnh hưởng của tất cả tổ chức, thể chế và khuôn khổ diễn đàn đa phương hiện có trên thế giới mà Mỹ tham gia.

Ông Donald Trump không coi trọng những tổ chức, thể chế và khuôn khổ diễn đàn này như những người tiền nhiệm và Mỹ không hoàn toàn đồng hành như trước nữa. Ông còn phát động cuộc xung khắc thương mại với nhiều đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ, trong các thành viên của BRICS có Trung Quốc và Brazil.

Quan hệ của Mỹ với Nga vẫn còn rất căng thẳng và gay cấn, cho dù vừa mới đây có được cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Vladimir Putin - cuộc cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Nga ở thời ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ. Ở các nước thành viên của nhóm BRICS, địa vị quyền lực của các ông Tập Cận Bình, Vladimir Putin và Narendra Modi được củng cố vững chắc, ông Cyril Ramaphosa vừa mới lên cầm quyền ở Nam Phi, còn ông Michel Termer thì khó có thể tại vị được tiếp sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Brazil, và Nam Phi cũng như Brazil chưa có được ổn định chính trị xã hội thật sự.

Trong bối cảnh tình hình chung như thế trên thế giới và ở các nước thành viên BRICS, hội nghị cấp cao này là cơ hội rất thuận lợi cho nhóm cũng như cho các thành viên đề cao vị thế cùa họ trên thế giới. Thách thức hiện tại đối với các tổ chức, thể chế và khuôn khổ diễn đàn đa phương là cơ hội hiếm có được đối với BRICS để thể hiện và tăng cường vai trò và ảnh hưởng trên thế giới, trở thành một tác nhân quyền lực mới trên thế giới và có thể có được khả năng cũng như vai trò kiến tạo và thay đổi cả trật tự thế giới.

Muốn được như vậy, cũng có nghĩa là, nếu muốn tận dụng thời cuộc hiện tại, thì BRICS phải có chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản cả về chiến lược hoạt động lẫn thể chế hoá mà phải thể hiện khả năng có thể làm nên những chuyển biến ấy ở ngay tại hội nghị cấp cao này. BRICS phải có những chương trình và ý tưởng hợp tác và liên kết cụ thể, nhưng với ý nghĩa chiến lược lâu dài giữa các thành viên của nhóm với nhau và giữa cả nhóm với các đối tác bên ngoài. BRICS phải thể chế hoá nhiều hơn nữa và nhanh hơn nữa.

Kết quả hội nghị cấp cao thường niên vừa rồi ở Nam Phi cho thấy, BRICS đã có được nhận thức mới về thời cuộc và cơ hội, nhưng dường như vẫn chưa biết, hoặc chưa nhất trí được giữa các thành viên, về tận dụng nhân tố thiên thời này như thế nào. Chỉ nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho tự do hoá mậu dịch không thôi thì chưa thể đủ. Chỉ cam kết tăng cường hợp tác giữa các thành viên của nhóm không thôi thì vẫn còn quá chung chung. Nếu cứ tiếp tục như thế thì BRICS rồi đây khó có thể tránh khỏi bị lỡ thời.

Bù lại, nhiều thành viên của nhóm có được kết quả tích cực trên phương diện thúc đẩy các mối quan hệ song phương. Ông Vladimir Putin thoả thuận với ông Cyril Ramaphosa về hợp tác trên lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Ông Tập Cận Bình và ông Narendra Modi có chuyến công du tranh thủ và quyến rũ các nước Châu Phi. Trung Quốc và Ấn Độ đều sử dụng tiềm lực tài chính của họ để lôi kéo các nước trên châu lục này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn