MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 chiều 10.11.2017, tại Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

“Châu Á - Thái Bình Dương là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng toàn cầu”

VÂN ANH (lược thuật) LDO | 11/11/2017 09:17
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit) ngày 10.11 trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, Châu Á Thái Bình Dương là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng toàn cầu, đồng thời ông kêu gọi hợp tác đa phương, cùng theo đuổi phát triển chung.

Chủ nghĩa đa phương

Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, APEC là động lực thúc đẩy tăng trưởng tuyệt vời. Vì thế, khi tham dự APEC 7 năm qua, ông luôn gặp các lãnh đạo doanh nghiệp để thảo luận những khó khăn và công việc làm ăn của họ. Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc đến cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm trước, cho rằng, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau phối hợp chặt chẽ, nhờ nỗ lực đó, nền kinh tế toàn cầu đã dần dần cải thiện. Dù còn nguy cơ và bất trắc, nhưng thương mại đầu tư phát triển trở lại, sự tự tin quay lại các ngành kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, sự phát triển không có điểm kết thúc, thế giới không nên nhìn vào quá khứ mà cần hướng tới tương lai. Triển vọng của cải cách đang được mở khóa, ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của các nước. “Trước những thay đổi sâu sắc trong hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu, chúng ta cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương, cùng theo đuổi phát triển chung thông qua xây dựng các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung vì tương lai loài người.” - Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Chủ tịch Tập Cận Bình đặt câu hỏi, các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương có nên dẫn đầu cải cách hay chỉ ngờ vực, do dự, có nên dẫn đầu toàn cầu hóa kinh tế hay dùng dằng bỏ lỡ, có nên cùng nhau hợp tác phát triển hay mỗi nước một nơi. Nhà lãnh đạo Trung Quốc tự đưa ra câu trả lời: Phải cùng nhau hợp tác để đưa đến tương lai tươi sáng, tiếp tục thúc đẩy kinh tế mở. “Sự mở cửa mang lại tiến bộ, đóng cửa khiến các nền kinh tế bị bỏ lại phía sau. Các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương hiểu rõ điều này.” - Chủ tịch Tập Cận Bình nói.

“Trong vài thập kỷ qua, toàn cầu hóa kinh tế đã đóng góp lớn cho tăng trưởng toàn cầu. Trong thực tế, nó đã trở thành sự thay đổi lịch sử không thể đảo ngược. Để theo đuổi toàn cầu hóa, chúng ta cần để nó rộng mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng hơn, công bằng hơn và mang lại lợi ích cho tất cả.” - nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh. Ông cho rằng, thế giới cần phát triển sáng tạo, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, tránh tình trạng gián đoạn, duy trì phát triển dựa trên đổi mới, cách mạng công nghiệp, kinh tế số và chia sẻ toàn cầu, đột phá trong kỹ thuật mới như trí thông minh nhân tạo.

Trung Quốc tiếp tục đàm phán các hiệp định

Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc đã có những bước đi cải cách về cơ cấu kinh tế, theo đuổi phát triển chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn. Trong 4 năm gần đây, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7.2%, đóng góp 30% cho tăng trưởng toàn cầu, là động lực chính cho tăng trưởng toàn thế giới.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc đã nỗ lực loại bỏ hàng rào thể chế, thông qua cải cách toàn diện với 360 sáng kiến và 1.500 biện pháp, những khuôn khổ cải cách đã được thực hiện ở nhiều lĩnh vực quan trọng, chuyển đổi mô hình ngoại thương và đầu tư nước ngoài.

Nhà lãnh đạo khẳng định, tất cả các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc đều được đối xử công bằng như nhau. Trung Quốc tiếp tục đàm phán các hiệp định với các đối tác trong đó có FTAAP, RCEP, tạo mạng lưới thuận lợi hóa thương mại toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn