MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án phát triển khí đốt Midia ở làng Vadu, ở đông nam Romania, ngày 28.6.2022. Ảnh: Xinhua

Châu Âu chi gần 800 tỉ Euro cho năng lượng lớn hơn quỹ phục hồi COVID-19

Song Minh LDO | 13/02/2023 16:30

Châu Âu chi cho khủng hoảng năng lượng gần 800 tỉ Euro, nhiều hơn quỹ phục hồi COVID-19.

Ngày 13.12, tổ chức tư vấn Bruegel cho biết, dự luật của các nước Châu Âu nhằm bảo vệ các hộ gia đình và công ty khỏi chi phí năng lượng tăng vọt đã lên tới gần 800 tỉ Euro - Reuters đưa tin.

Theo phân tích của tổ chức tư vấn Bruegel, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã dành hoặc phân bổ 681 tỉ Euro để giải quyết khủng hoảng năng lượng, trong khi Anh phân bổ 103 tỉ Euro và Na Uy 8,1 tỉ Euro kể từ tháng 9.2021. 

Tổng cộng Châu Âu đã chi 792 tỉ Euro, trong khi trong phân tích gần nhất của Bruegel vào tháng 11 năm ngoái, con số này là 706 tỉ Euro. Kể từ thời điểm đó, các quốc gia tiếp tục trải qua mùa đông, chống chọi với hậu quả từ việc Nga cắt hầu hết nguồn cung khí đốt cho Châu Âu vào năm 2022.

Đức đứng đầu bảng chi tiêu, phân bổ gần 270 tỉ Euro - khoản tiền vượt trội so với tất cả các quốc gia khác. Anh, Italia và Pháp là những nước có mức chi cao nhất tiếp theo, mặc dù mỗi nước chi chưa đến 150 tỉ Euro. Hầu hết các quốc gia EU khác đã chi một phần nhỏ trong số đó.

Trên cơ sở bình quân đầu người, Luxembourg, Đan Mạch và Đức là những nước chi nhiều nhất.

Khoản chi tiêu mà các quốc gia dành cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện ngang hàng với quỹ phục hồi COVID-19 trị giá 750 tỉ Euro của EU. Được nhất trí vào năm 2020, EU nhận khoản này và chuyển cho 27 quốc gia thành viên của khối để đối phó với đại dịch.

Bản cập nhật chi tiêu năng lượng được đưa ra khi các quốc gia tranh luận về những đề xuất của EU nhằm nới lỏng hơn nữa các quy tắc viện trợ của nhà nước cho các dự án công nghệ xanh, khi Châu Âu tìm cách cạnh tranh với các khoản trợ cấp ở Mỹ và Trung Quốc.

Một người phụ nữ nhặt củi để sưởi ấm ở Glyfada, ngoại ô phía nam Athens, Hy Lạp, ngày 20.10.2022. Ảnh: Xinhua

Những kế hoạch đó đã làm dấy lên mối lo ngại ở một số nước EU rằng việc khuyến khích viện trợ nhà nước nhiều hơn sẽ làm xáo trộn thị trường nội bộ của khối.

Đức đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về gói viện trợ năng lượng khổng lồ, vượt xa những gì các quốc gia EU khác có thể chi trả.

Bruegel cho biết, các chính phủ đã tập trung hầu hết hỗ trợ vào những biện pháp phi mục tiêu nhằm hạn chế giá bán lẻ mà người tiêu dùng phải trả cho năng lượng, chẳng hạn như cắt giảm thuế VAT đối với xăng dầu hoặc giá trần với điện bán lẻ.

Tổ chức tư vấn cho rằng, động lực đó cần phải thay đổi, vì các nước đang cạn kiệt không gian tài khóa để duy trì nguồn hỗ trợ rộng rãi như vậy.

Nhà phân tích nghiên cứu Giovanni Sgaravatti cho biết: “Thay vì các biện pháp giảm giá thực chất là trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, các chính phủ giờ đây nên thúc đẩy nhiều chính sách hỗ trợ thu nhập hơn nhắm vào hai nhóm thu nhập thấp nhất trong phân phối thu nhập và hướng tới các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn