MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Châu Âu đối mặt mùa đông khắc nghiệt

Song Minh LDO | 30/08/2022 07:06

Châu Âu đang phải đối mặt với một phép thử xã hội lớn trước mùa đông khi sự bất bình ngày càng gia tăng do giá năng lượng tăng cao và áp lực đáp ứng các mục tiêu khí hậu khi cuộc xung đột Ukraina kéo dài.

Theo Reuters, nhóm “Don't Pay UK" ở Anh đang kêu gọi tẩy chay hóa đơn năng lượng từ ngày 1.10, trong khi chiến dịch “Enough is Enough” do công đoàn hậu thuẫn đã khởi động một loạt cuộc tuần hành và hành động vào giữa tháng 8 để yêu cầu tăng lương, giới hạn giá thuê nhà, giảm giá năng lượng, thực phẩm và đánh thuế người giàu.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tồi tệ trên khắp Châu Âu đã chứng kiến ​​công nhân ở Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ đình công trong các lĩnh vực giao thông công cộng, y tế và hàng không, đòi hỏi mức lương cao hơn để giúp họ đối phó với lạm phát tăng cao. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu đã cam kết giảm 2/3 lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga và giảm 15% tiêu thụ khí đốt vào cuối năm nay. Trước xung đột Ukraina, EU đặt mục tiêu trở thành lục địa trung hòa carbon đầu tiên vào năm 2050.

Việc siết chặt nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga sau cuộc xung đột Ukraina hồi tháng 2 khiến các nước cấp tập triển khai một loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng, khởi động các nhà máy than cũ và thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo.

Một số nhà kinh tế cho rằng, nhu cầu ngay lập tức để duy trì hệ thống điện và sưởi của Châu Âu sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu trung và dài hạn nhằm áp dụng nhiều năng lượng sạch hơn để hạn chế biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi châu lục bước vào những tháng mùa đông lạnh giá hơn.

"Cho dù họ chọn con đường nào, mùa đông sắp tới sẽ còn khó khăn hơn bởi tình trạng bất ổn xã hội" - Naomi Hossain, giáo sư về chính trị phát triển tại Đại học Mỹ ở Washington D.C, người đang nghiên cứu các cuộc bất ổn về năng lượng, nhiên liệu và lương thực - cảnh báo.

Theo một ước tính thận trọng, 10.000 cuộc biểu tình như vậy đã diễn ra trên toàn thế giới kể từ tháng 11 năm ngoái - bà Hossain cho biết. “Nếu tôi là một chính trị gia, tôi sẽ thực sự lo lắng” - bà nói thêm.

Tiết kiệm năng lượng

Đối mặt với nguy cơ mất điện, các nước EU đã áp dụng một loạt các biện pháp tiết kiệm năng lượng để giúp cắt giảm hóa đơn tiền điện, khi lạm phát hằng năm đạt mức kỷ lục 8,9% - khoảng 4% trong số đó do giá năng lượng đắt hơn.

Người dân Tây Ban Nha đã cảm thấy sức nóng trong một mùa hè oi bức, sau khi chính phủ yêu cầu mở điều hòa không quá 27 độ C trong các tòa nhà công cộng, khách sạn, nhà hàng và trung tâm mua sắm.

Trong khi đó, Pháp đang tập trung vào "năng lượng an toàn" với các biện pháp sẽ được đưa ra vào cuối mùa hè bao gồm tắt điện công cộng trong đêm, phạt các cửa hàng mở cửa trong khi sử dụng hệ thống sưởi hoặc làm mát.

Đức, quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào nhiên liệu của Nga, đã công bố giới hạn nhiệt độ sưởi ấm là 19 độ C vào mùa đông cho các tòa nhà công cộng và các hồ bơi công cộng, trong khi các thành phố như Augsburg đang cân nhắc xem nên tắt đèn giao thông nào.

Lựa chọn khó khăn

Việc tiết kiệm năng lượng vẫn chưa làm giảm bớt áp lực của các hóa đơn điện nước tăng cao - và các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch từ Madrid đến London vào mùa thu để đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Bà Hossain cho biết, khi mọi người bắt đầu phàn nàn về việc họ không có khả năng chi trả cho các nhu cầu cơ bản của mình - và phải lựa chọn giữa sưởi ấm hoặc ăn uống - thì điều đó có thể làm đảo lộn các chính phủ. Bà lưu ý, thường thì một cuộc biểu tình năng lượng sẽ biến thành một cuộc biểu tình chính trị, giống như ở Sri Lanka - nơi biểu tình về khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến việc tổng thống bị lật đổ vào tháng 7.

Bà Hossain kêu gọi tập trung chính sách vào “trợ cấp, trang bị thêm và năng lượng tái tạo”, theo đó sẽ hỗ trợ tài chính cho người nghèo, nâng cấp các tòa nhà để tiết kiệm năng lượng và mở rộng đầu tư vào điện gió, điện mặt trời và các năng lượng tái tạo khác.

Tương lai không có nhiên liệu hóa thạch?

Khi lo ngại về mất an ninh năng lượng gia tăng, Đức, Italia, Áo và Hà Lan đã báo hiệu sẽ cho phép các nhà máy nhiệt điện than đóng cửa hoạt động trở lại hoặc kéo dài hoạt động ngoài ngày đóng cửa dự kiến.

Những người ủng hộ môi trường xanh cho rằng việc dựa vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì nguồn điện, ngay cả trong ngắn hạn, sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá năng lượng và gây nguy hiểm cho việc giảm phát thải. Điều này sẽ dẫn đến biến động giá cả, chi phí năng lượng cao, ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương. Và việc gắn bó với nhiên liệu hóa thạch cũng có khả năng làm tăng lượng khí thải carbon, khiến các mục tiêu khí hậu gặp rủi ro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn