MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy lọc dầu ở Memphis, Tennessee, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Châu Âu soán ngôi Châu Á nhập khẩu dầu lớn nhất của Mỹ

Ngọc Vân LDO | 17/07/2022 14:42
Châu Âu đã vượt qua Châu Á để trở thành khu vực nhập khẩu dầu của Mỹ lớn nhất lần đầu tiên sau 6 năm.

Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, Châu Âu nhập trung bình khoảng 213,1 triệu thùng dầu thô của Mỹ trong khi Châu Á nhập 191,1 triệu thùng - Bloomberg dẫn dữ liệu mới nhất của Cục điều tra Dân số Mỹ cho hay. 

Theo dữ liệu, lần cuối cùng khối lượng nhập khẩu của Châu Á đứng sau Châu Âu trong cùng khoảng thời gian 5 tháng là vào năm 2016, khi Mỹ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô.

Bloomberg nhận định, sự thay đổi dòng chảy dầu này cho thấy cuộc xung đột Nga - Ukraina đã chuyển hướng nguồn cung cấp năng lượng đáng kể như thế nào.

Trong nỗ lực cắt nguồn tài trợ cho cuộc chiến của Mátxcơva, Mỹ và các quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga. Do đó, nhiều quốc gia Châu Âu đã chuyển sang Mỹ để nhập khẩu dầu, trong khi Nga cung cấp dầu thô với mức chiết khấu mạnh cho các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc - những quốc gia không áp đặt bất kỳ lệnh cấm nào với Mátxcơva.

Christopher Haines - nhà phân tích dầu thô toàn cầu của Energy Aspects - cho biết khi Châu Âu cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và chuyển sang các loại dầu thô ngọt hơn để thay thế dầu của Nga, các mô hình dòng chảy thương mại này vẫn tồn tại. Sản lượng dầu thô của Mỹ đang tăng nhưng không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của cả Châu Á và Châu Âu. Ngoài ra, Trung Đông dường như bị hạn chế về số lượng dầu có thể gửi đến Châu Âu.

Châu Âu vượt Châu Á trở thành khu vực nhập khẩu dầu lớn nhất của Mỹ sau 6 năm. Ảnh: RT

Các nhà sản xuất lớn nhất của khu vực như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang phải vật lộn để đáp ứng các cam kết sản xuất của OPEC+. Các nhà cung cấp khác, như Libya, đang phải vật lộn với tình trạng bất ổn chính trị khiến xuất khẩu bị hạn chế.

Tổng thống Joe Biden vừa kết thúc chuyến thăm Trung Đông mà không đạt được cam kết dầu khí lớn với Saudi Arabia. Ông Biden đến Saudi Arabia với hy vọng đạt được một thỏa thuận về tăng sản lượng dầu mỏ để giúp giảm giá xăng dầu - nhân tố đang khiến lạm phát ở Mỹ leo lên mức cao nhất trong 40 năm và đe dọa xếp hạng tín nhiệm của nhà lãnh đạo Mỹ. Tuy nhiên, ông Biden không đạt được kỳ vọng.

Saudi Arabia - một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất hàng đầu trong OPEC - hiện đang cung cấp hơn 12 triệu thùng dầu mỗi ngày. Mặc dù Saudi Arabia có kế hoạch tăng sản lượng lên 13 triệu thùng/ngày, nhưng không phải ngay lập tức, mà dự kiến đến năm 2027.

Elisabeth Murphy, chuyên gia của hãng dự báo và phân tích thị trường năng lượng toàn cầu ESAI, cho biết: “Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào nỗ lực của OPEC để tăng sản lượng dầu cao hơn trong năm tới và bao nhiêu thị phần mà OPEC có thể giành lại”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn