MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen công bố ekip 27 thành viên trước khi chính thức bắt đầu nhiệm vụ từ 1.11. Ảnh: REUTERS

Châu Âu trước thềm những dấu mốc quan trọng

HẢI ANH LDO | 12/09/2019 06:20

Ngày 9.9, để chuẩn bị cho nhiệm kỳ bắt đầu từ 1.11 năm nay tới năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - bà Ursula von der Leyen đã chính thức công bố 27 thành viên trong ủy ban mới từ các quốc gia trong khối, trừ Anh - nước có thời hạn rời EU ấn định ngày 31.10.

Gió ngược và những nhân tố khó đoán định

Trong ekip mới, tính cả Chủ tịch Ursula von der Leyen có 13 phụ nữ và 14 nam giới. Đây là tỉ lệ giới tính gần như cân bằng lần đầu tiên có được trong lịch sử Ủy ban. Trong nhiệm kỳ hiện tại của Chủ tịch Jean-Claude Juncker, Ủy ban Châu Âu có 9 nữ giới trong số 28 thành viên. Nếu lựa chọn của bà von der Leyen được Nghị viện Châu Âu và các nhà lãnh đạo EU phê chuẩn, đây sẽ là niềm tự hào về sự bình đẳng giới, đáp ứng một trong những cam kết hiện đại hóa của nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức. Bà von der Leyen cũng công bố phân công công việc, gồm có các vị trí về cạnh tranh ảnh hưởng, thương mại và kinh tế vào ngày 10.9.

Theo AFP, đội ngũ của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu mới sẽ phải giải quyết hàng loạt những thách thức khó khăn. Những vấn đề toàn cầu mà ủy ban mới phải đối mặt sẽ bao gồm cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại, bảo vệ các thể chế quốc tế và bảo vệ cam kết của Châu Âu với nền dân chủ và pháp quyền. Ủy ban cũng sẽ phải đối mặt với những biến động như một nước Mỹ khó đoán định dưới thời Tổng thống Donald Trump và hiện đang gây sức ép với Châu Âu về thương mại.

Ngoài “gió ngược” từ đồng minh ở phía tây bán cầu, EU cũng phải đối mặt với nhân tố khó đoán định khác tác động tới chính sách đối ngoại của Brussels. Đó là Iran đang giảm bớt việc tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm 2015, những căng thẳng chung khắp Trung Đông hay vấn đề Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…

Thêm vào đó là những vấn đề nội bộ Châu Âu trong đó có sự tăng trưởng chậm, đoàn kết nội bộ... Một trong những vấn đề lớn mà Ủy ban mới ngay ngày bắt đầu nhiệm kỳ là việc Anh rời EU nếu Thủ tướng Anh Boris Johnson thành công theo hướng đi của mình.

“Giả thuyết làm việc của chúng tôi là Brexit sẽ xảy ra ngày 31.10”, một phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu cho biết. Với Brexit, EU sẽ phải tìm cách lấp đầy khoảng trống ngân sách mà một trong những nền kinh tế hàng đầu của khối để lại khi rời khỏi trong khi các thành viên còn lại thận trọng với khả năng tăng đóng góp để bù đắp thiếu hụt. Các cuộc đàm phán đang triển khai về chu kỳ ngân sách tiếp theo giai đoạn 2021-2027 với khoản tiền lên tới 1,28 nghìn tỉ euro (1,4 nghìn tỉ USD).

Brexit lún sâu vào khủng hoảng

Ngày 10.9, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ không yêu cầu gia hạn Brexit. Tuyên bố được đưa ra vài giờ sau khi một dự luật được sự phê chuẩn từ Nữ hoàng Elizabeth buộc ông phải tìm kiếm sự gia hạn thêm 3 tháng trước hạn chót 31.10 trừ khi Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận hoặc vào ngày 19.10 tới, Quốc hội cho phép Anh rời EU mà không cần thỏa thuận.

Trước đó, lần thứ 2 trong vòng 1 tuần, các nhà lập pháp Anh đã bác bỏ yêu cầu của ông Boris Johnson trong nỗ lực phá vỡ bế tắc thông qua một cuộc bầu cử sớm. Ngày 10.9, có 293/650 phiếu trong Hạ viện ủng hộ đề xuất này, chưa đủ đa số 2/3 cần thiết. Trong khi đó, Quốc hội Anh hiện đang bị “treo” đến ngày 14.10.

Straits Times nhận định, theo khuôn khổ luật định, ông Boris Johnson dường như mất quyền kiểm soát việc Anh rút khỏi EU. Do vậy ông phải tìm cách trì hoãn, trừ khi ông có thể đạt được thỏa thuận mới tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 17-18.10. Phát biểu hôm 10.9, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh EU và “cố gắng đạt được một thỏa thuận vì lợi ích quốc gia” và “Chính phủ này không thể trì hoãn Brexit thêm nữa”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn