MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Liên minh Châu Âu tuyên bố hiện không có cuộc đàm phán nào về việc mua vaccine Sputnik V của Nga. Ảnh: AFP

Châu Âu tuyên bố không đàm phán mua vaccine COVID-19 của Nga

Phương Linh LDO | 04/03/2021 21:55
Ủy ban Châu Âu ngày 4.3 tuyên bố không có cuộc đàm phán nào về việc mua vaccine COVD-19 Sputnik V của Nga.

Reuters đưa tin, cho đến nay, Liên minh Châu Âu (EU) đã ký hợp đồng cung cấp với 6 nhà sản xuất vaccine COVID-19 của Châu Âu và Mỹ với tổng số gần 2,6 tỉ liều cho 450 triệu dân. Khối 27 quốc gia này cũng đang đàm phán về nguồn cung vaccine thêm từ hai công ty phương Tây khác.

“Hiện tại không có cuộc đàm phán nào đang được tiến hành để bổ sung vaccine Sputnik vào danh mục mua sắm”, phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 4.3.

Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã bắt đầu xem xét tổng thể vaccine Sputnik V của Nga, điều này có thể dẫn đến việc vaccine này được phê duyệt sử dụng ở tất cả 27 nước EU.

Vaccine Sputnik V đã được phê duyệt hoặc đang được đánh giá chờ phê duyệt ở ba quốc gia thành viên EU - Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech. Các quan chức EU cho hay họ có thể bắt đầu đàm phán với một nhà sản xuất vaccine nếu ít nhất bốn quốc gia thành viên yêu cầu.

“Chỉ vì một loại vaccine được phê duyệt ở cấp Châu Âu, sau khi được EMA đánh giá tích cực, điều đó không có nghĩa là Ủy ban có bất kỳ nghĩa vụ nào để đưa nó vào danh mục mua sắm của chúng tôi”, phát ngôn viên thứ hai của Ủy ban cho biết.

Các quan chức EU nói rằng các nhà máy sản xuất vaccine Sputnik V cần được đánh giá, và không rõ họ có thể sản xuất được bao nhiêu liều trong ngắn hạn.

“Ở giai đoạn này, vẫn có một quan điểm rất vững chắc (giữa các quốc gia thành viên EU) rằng chúng tôi sẽ không đẩy mạnh việc tiêm chủng những vaccine chưa được EMA phê duyệt”, một nhà ngoại giao cấp cao của quốc gia thành viên cho biết và nói thêm rằng: "Có những vấn đề về trách nhiệm pháp lý... đằng sau đó, và sự liều lĩnh là điều mà đa số sẽ không chấp nhận".

Theo quy định của Liên minh Châu Âu, các nước được phép phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine tại quốc gia của mình, nhưng họ phải chịu rủi ro pháp lý nếu có vấn đề xảy ra với vaccine, trong khi phê duyệt của EMA mang lại sự bảo vệ hợp pháp hơn.

Một quan chức tiết lộ, đã có những thảo luận sơ bộ giữa các thành viên EU về việc có tổ chức đàm phán với các nhà phát triển vaccine của Nga hay không, nhưng cho đến nay vẫn chưa có điều gì chắc chắn.

Các nước EU có thể tự do mua các loại vaccine chưa được EU cấp phép nói chung, nhưng được khuyến nghị từ chối các cuộc đàm phán và giao dịch song song nếu EU cũng đang đàm phán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn