MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ống khí đốt Baltic ở Ba Lan. Ảnh: euronews

Châu Âu vẫn chưa hết khủng hoảng khí đốt

Ngọc Vân LDO | 23/02/2024 21:52

Giá khí đốt ở châu Âu giảm mạnh nhưng khủng hoảng khí đốt được cho là vẫn chưa kết thúc.

Giá khí đốt trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu - đã giảm đáng kể vào tháng 2.2024, xuống dưới 25 euro/megawatt giờ (MWh), đánh dấu mức giảm mạnh hơn 50% so với cùng kỳ một năm trước - trang euronews đưa tin.

Sự sụt giảm này là nhờ kết hợp các yếu tố khí hậu và kinh tế, bao gồm nhiệt độ ấm hơn mức trung bình trên khắp Bắc bán cầu và sự sụt giảm đáng kể về nhu cầu khí đốt trong cả công nghiệp lẫn tiêu dùng nội địa.

Mùa đông ôn hòa, đặc biệt là ở Pháp và Đức - hai nước đang trải qua mùa đông ấm thứ ba và thứ tư trong vòng 34 năm - đã góp phần làm giảm nhu cầu sưởi ấm.

Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), mức dự trữ khí đốt của châu Âu hiện ở mức cao mới trong 5 năm. Cụ thể, dự trữ khí đốt của EU là gần 66%, Đức hơn 71%, Italy hơn 60% và Pháp hơn 51%.

Sự suy thoái toàn cầu trong hoạt động sản xuất kể từ năm 2022 đã tác động đáng kể đến nhu cầu khí đốt của ngành công nghiệp, đặc biệt là ở châu Âu.

Một yếu tố quan trọng khác khiến giá khí đốt ở châu Âu giảm mạnh gần đây là nhờ các nguồn năng lượng tái tạo và sản xuất điện hạt nhân.

Sau một vài năm hoạt động kém hiệu quả vào năm 2021 và 2022, điện gió và mặt trời đã cho thấy sự cải thiện đáng kể vào năm 2023, trong khi thủy điện đang đạt mức cao nhất theo mùa gần 5 năm. Ngoài ra, điện hạt nhân đã có sản lượng tốt hơn vào nửa cuối năm 2023 và tiếp tục kéo dài đến năm 2024.

Francisco Blanch - chiến lược gia hàng hóa tại Bank of AmericaGlobal Research - dự đoán khả năng giá khí đốt TTF có xu hướng giảm vào mùa xuân, đặc biệt nếu nền kinh tế toàn cầu vẫn trì trệ.

Tuy nhiên, ông Blanch cũng nhấn mạnh một số rủi ro có thể dẫn đến giá khí đốt tăng bất ngờ. Sự hồi sinh trong hoạt động sản xuất có thể sẽ dẫn đến nhu cầu khí đốt công nghiệp toàn cầu tăng lên, trong khi sự gián đoạn ở khu vực Biển Đỏ có thể đẩy giá đáng kể ở châu Âu.

Bên cạnh đó, các yêu cầu phê duyệt bắt buộc đối với các kho cảng LNG có nguy cơ chậm trễ lớn, có khả năng làm giảm tốc độ tăng nguồn cung toàn cầu trong nửa cuối năm 2024 và sau đó.

Các nhà phân tích hàng hóa của Goldman Sachs gần đây đã hạ dự báo giá khí đốt TTF từ 41 euro/MWh xuống còn 31 euro/MWh cho thấy, tình trạng dư cung khí đốt toàn cầu trong giai đoạn này có khả năng nghiêm trọng đến mức châu Âu có thể cần đưa ra các biện pháp khuyến khích để giảm nguồn cung.

Tuy nhiên, dù mức dự trữ vào cuối mùa đông khá thoải mái, các nhà phân tích cho rằng, châu Âu vẫn chưa giải quyết được cuộc khủng hoảng năng lượng. Họ tin rằng, một mùa đông nữa phải trôi qua mới giảm bớt nguy cơ giá khí đốt tăng vọt.

Sự thâm hụt cơ cấu về khí đốt của châu Âu vẫn chưa được giải quyết triệt để, do nguồn cung LNG tăng không bù đắp hoàn toàn cho lượng nhập khẩu bị mất của khí đốt Nga. Do đó, giá khí đốt ở châu Âu vẫn dễ bị gián đoạn nguồn cung hoặc nhu cầu tăng đột biến, đặc biệt là trong mùa đông.

Bắt đầu từ năm 2025, nguồn cung LNG toàn cầu sẽ tăng đáng kể, dẫn đến tình trạng dư cung trên thị trường và sau đó khiến giá khí đốt và LNG ở châu Âu giảm, đặc biệt trong suốt giai đoạn 2026-2028.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn