MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tấm áp phích chào mừng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi đoàn xe của ông di chuyển trên đường phố của Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo ngày 9.8 trong chuyến công du Châu Phi. Ảnh: AFP

Châu lục trong tầm ngắm của bên ngoài

Ngạc Ngư LDO | 16/08/2022 11:00
Thời cuộc và thế sự hiện tại làm gia tăng tầm quan trọng của Châu Phi đối với thế giới nói chung và đối với các đối tác bên ngoài này nói riêng. 

Chiến sự Ukraina làm tăng vị thế của châu lục

Chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov kết thúc chuyến thăm một loạt quốc gia ở Châu Phi, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken cũng công du Châu Phi. Khi ông Lavrov còn chưa rời Châu Phi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới thăm vài quốc gia trên châu lục.

Trong cùng khoảng thời gian ấy, Trung Quốc cử hẳn Đặc phái viên về quan hệ của Trung Quốc với các nước Châu Phi và ông Dương Khiết Trì - Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm Uỷ ban công tác ngoại vụ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - tới Châu Phi. Ấn Độ tổ chức cuộc gặp cấp cao với đại diện của các nước Châu Phi.

Từ trước tới nay, rất hiếm khi Châu lục đen được các đối tác lớn bên ngoài đồng thời coi trọng và tranh thủ như hiện tại có thể thấy. Các đối tác bên ngoài này theo đuổi lợi ích chiến lược khác nhau trong định hướng chính sách là tranh thủ các nước Châu Phi. Trong đó có lợi ích về chính trị an ninh như chống khủng bố và cướp biển, đối phó các phần tử và tổ chức Hồi giáo cực đoan và buôn bán vũ khí. Trong đó có lợi ích về kinh tế đối ngoại như thị trường xuất khẩu và địa bàn đầu tư, nguồn cung ứng nguyên vật liệu và năng lượng. Trong đó có lợi ích địa chiến lược và cạnh tranh ảnh hưởng trên mọi phương diện ở Châu Phi.

Chiến  sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina đã làm gia tăng vị thế của Châu Phi trong chiến lược của tất cả các đối tác bên ngoài này. Nga có nhu cầu tranh thủ các nước Châu Phi như Mỹ, EU và các nước Phương Tây khác để phục vụ trực tiếp cho cuộc đối đầu giữa Nga và các nước Phương Tây liên quan đến chuyện chiến sự ở Ukraina. Trung Quốc, EU, Mỹ và Ấn Độ ganh đua nhau quyết liệt trong công cuộc chinh phục các quốc gia Châu Phi làm khách hàng thương mại và đối tác kinh tế.

Các đối tác này xác định trọng tâm khác nhau trong chuyện hợp tác với các nước Châu Phi và có nhiều cách thức triển khai thực hiện khác nhau. Nhưng tất cả giống nhau ở 3 khía cạnh.

Thứ nhất, tất cả đều quả quyết mục đích của họ là giúp các nước Châu Phi phát triển thịnh vượng chứ không lợi dụng các nước Châu Phi, thúc đẩy quan hệ đối tác trên cơ sở bình đẳng chứ không đối xử khác biệt, không ban phát và áp đặt.

Thứ hai, tất cả các đối tác bên ngoài này đều quả quyết việc tranh thủ và thúc đẩy quan hệ với hợp tác với các nước Châu Phi không nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với bất cứ đối tác bên ngoài nào ở Châu Phi.

Thứ ba, đối tác bên ngoài nào cũng đều muốn gây dựng vai trò trung gian hoà giải trong các mối xung đột giữa hai nước hoặc giữa nhiều nước Châu Phi với nhau.

Cuộc ganh đua sẽ còn quyết liệt hơn

Thực tế đến nay cho thấy các đối tác bên ngoài kia không phải hoàn toàn như vậy hoặc không luôn được như vậy. Họ cạnh tranh ảnh hưởng với nhau ở Châu Phi rất quyết liệt nhưng không dám công khai thú nhận bởi không dám đẩy các nước trên châu lục này vào tình thế phải chọn bên. Họ dùng chính cách thức quan hệ với các nước Châu Phi của nhau để cạnh tranh lẫn nhau.

Mỹ, EU và Trung Quốc đều dùng cách đầu tư vào những dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước Châu Phi để lôi kéo các nước trên châu lục. Trung Quốc và Ấn Độ đều đặc biệt coi trọng khai thác Châu Phi làm thị trường xuất khẩu hàng hoá. Mỹ và Nga đặc biệt thúc đẩy việc tranh thủ các nước Châu Phi về chính trị và gây dựng vai trò chính trị quân sự và an ninh ở Châu Phi cũng như bán vũ khí cho các nước Châu Phi. Trung Quốc, Ấn Độ và EU không khác nhau ở chủ định tăng cường mức độ thể chế hoá quan hệ hợp tác của họ với các nước Châu Phi.    

Nhưng đồng thời, các đối tác bên ngoài này cạnh tranh nhau ở Châu Phi còn bằng những cách thức riêng. Trung Quốc, Ấn Độ và Nga thường không gắn việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa họ và các nước Châu Phi với những điều kiện chính trị như Mỹ và EU.

Thời cuộc và thế sự hiện tại làm gia tăng tầm quan trọng của Châu Phi đối với thế giới nói chung và đối với các đối tác bên ngoài này nói riêng. Vì thế, cuộc ganh đua ảnh hưởng và vai trò giữa các đối tác này với nhau ở Châu Phi rồi sẽ còn quyết liệt hơn nữa. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn