MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Châu Phi vận dụng bài học xương máu từ Ebola để đối phó COVID-19

Thanh Hà LDO | 15/04/2020 06:29

Các quốc gia Châu Phi từng bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola đang vận dụng những kinh nghiệm từ cuộc chiến này để đối phó với đại dịch COVID-19 bởi họ biết cách lần theo, sàng lọc và cách ly các bệnh nhân có nguy cơ, giới chuyên gia đánh giá. 

Tính tới ngày 13.4, khi dịch COVID-19 lây nhiễm cho hơn 1,8 triệu người trên phạm vi toàn cầu, chỉ 14.744 ca được ghi nhận ở Châu Phi, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Châu Phi. Để tránh thảm họa, giới chức y tế đang chạy đua để bù đắp những điểm yếu trong hệ thống y tế quốc gia bằng cách phát huy điểm mạnh họ có. 

Sau khi đẩy lùi dịch Ebola bùng phát gần hai năm ở Cộng hòa Dân chủ Congo khỏi biên giới, nước láng giềng Uganda hiện chuyển hướng các nguồn lực sang ứng phó COVID-19. Các biện pháp sàng lọc tại biên giới và sân bay đã được điều chỉnh để phát hiện virus SARS-CoV-2, Emmanuel Ainebyoona - phát ngôn viên của Bộ Y tế Ugandan cho biết. Theo ông, tính toán sai lầm duy nhất là không công nhận Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất là một quốc gia có nguy cơ cao từ sớm dẫn tới một số ca mắc đã vào Uganda. 

Những ca này đã được xác định và việc lần ra các tiếp xúc đang được triển khai. Không ai trong số 54 trường hợp được xác nhận mắc COVID-19 ở nước này cần phải đưa vào điều trị tích cực. 

"Chúng tôi đã thực sự rút ra bài học từ Trung Quốc. Chúng tôi đã xem xét các kịch bản về cách các ca lây lan ở Italia. Chúng tôi đã học được từ kinh nghiệm của các quốc gia khác vì vậy chúng tôi có thể bỏ qua và tránh một số sai lầm mà họ đã phạm phải cũng như những cách tiếp cận không hiệu quả của họ" - ông nói. 

Các nước Châu Phi cũng đang chia sẻ các phương thức ứng phó tốt nhất với nhau, theo Tiến sĩ Mary Stephen - quan chức chuyên môn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại văn phòng khu vực tại Brazzaville, Cộng hòa Congo.

Một ứng dụng di động có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của Ebola ở Nigeria đang được cập nhật cho dịch COVID-19 và đang được một số quốc gia sử dụng, bà cho biết. Ứng dụng này kết nối những người bị nghi nhiễm bệnh với các nhân viên y tế, theo dõi triệu chứng của họ và kích hoạt các dịch vụ cứu thương để đưa họ tới khu cách ly. 

Dù chỉ có hai phòng thí nghiệm khắp 47 quốc gia thành viên của WHO tại khu vực Châu Phi có khả năng xét nghiệm COVID-19 khi dịch bệnh bùng phát, hiện hàng chục phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ tại 43 quốc gia. Những nước vẫn đang thiếu các cơ sở có thể gửi mẫu tới các phòng thí nghiệm này để xét nghiệm. 

Bảy quốc gia ở châu lục này thuộc văn phòng Đông Địa Trung Hải của WHO cũng đang nhận được sự hỗ trợ tương tự.

Các địa điểm có thể chứa số lượng lớn bệnh nhân, như một sân vận động thể thao ở Nigeria, đang được xác định, theo bà Stephen nói. Phong tỏa, ở cấp độ quốc gia hoặc khu vực, đang được triển khai khi các ca mắc COVID-19 được ghi nhận khắp châu lục.

"Những gì chúng tôi đang cố gắng tránh là sử dụng năng lực trong các hệ thống hiện có vốn đã quá sức"- bà nói, thừa nhận về mức độ yếu kém của hệ thống y tế ở nhiều nước. 

Giáo dục nhận thức về COVID-19 dựa trên các chiến dịch trong dịch Ebola cũng đang được triển khai. Những chiến dịch này khiến cư dân nhận thức được cách ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và nơi để tìm đến nếu có triệu chứng, Giáo sư Martin Antonio trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London, đang ở Gambia, chia sẻ. Theo ông, những thông tin này đang được dịch sang các phương ngữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn