MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chạy đua thời gian tìm kiếm người sống sót sau thảm họa vỡ sông băng Ấn Độ

Bảo Châu LDO | 09/02/2021 17:25
Lực lượng cứu hộ ở Ấn Độ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống sót sau thảm họa vỡ sông băng.

Theo hãng thông tấn AP, hàng trăm nhân viên cứu hộ đang lùng sục các khe núi và thung lũng ngập bùn lầy ở miền bắc Ấn Độ trong ngày 9.2 để tìm kiếm những người còn sống sót sau khi một phần sông băng ở Himalaya bị vỡ, gây ra trận lũ quét kinh hoàng cướp đi sinh mạng của 26 người và làm 165 người mất tích cho tới nay.

Một trong những nỗ lực cứu hộ tập trung vào một đường hầm tại nhà máy thủy điện, nơi hơn 30 công nhân đã mất liên lạc kể từ khi lũ quét xảy ra hôm 7.2. Lực lượng cứu hộ đã phải sử dụng máy xúc và xẻng để đào bùn trong đường hầm suốt đêm, nhằm nỗ lực tiếp cận các công nhân khi hy vọng sống sót của họ đang dần biến mất.

Thảm họa xảy ra sau khi một phần của sông băng trên núi Nanda Devi bị vỡ vào sáng 7.2. Các nhà khoa học đã đến địa điểm này để điều tra nguyên nhân gây ra vỡ băng và lũ lụt. Giả thuyết đặt ra là có thể do một trận tuyết lở hoặc do lượng nước tích tụ được giải phóng. Các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân do nhiệt độ ấm lên trên toàn thế giới đang thu hẹp các sông băng và khiến chúng không còn ổn định.

Nước lũ, bùn và đá tảng cuồn cuộn tràn xuống núi dọc theo các sông Alaknanda và Dhauliganga, phá vỡ các con đập, cuốn trôi cầu đường và buộc nhiều ngôi làng phải sơ tán.

Trận lũ quét đã cuốn trôi một công trình thủy điện nhỏ và làm hư hỏng một công trình thủy điện lớn hơn ở hạ lưu sông Dhauliganga.

Rajeev Semwal - cư dân làng Tapovan, gần nhà máy thủy điện ở bang Uttarakhand, tận mắt chứng kiến thảm họa - cho biết, anh nghe thấy một âm thanh tương tự như những đám mây sấm sét ầm ào, ngay sau đó dòng nước trong xanh của sông Alaknanda lập tức chuyển sang màu bùn.

Anh rể và em trai của Semwal đều làm việc tại nhà máy điện. Em trai của anh đang ở bên trong đường hầm bị ngập nước và không có tung tích kể từ lúc đó.

Hầu hết những người mất tích là những người làm việc trong hai dự án thủy điện, một phần trong rất nhiều nhà máy thủy điện mà chính phủ Ấn Độ đã và đang xây dựng trên một số con sông và các nhánh của chúng ở vùng núi bang Uttarakhand.

Vùng đất Himalaya là nơi nhạy cảm về mặt sinh thái nên rất dễ xảy ra lũ quét và lở đất. Vào năm 2013, những trận mưa lớn nhất trong nhiều thập kỷ đã gây ra lũ lụt, cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn